Khi tình yêu không đủ lớn

GD&TĐ - Mỗi lần có vụ bạo hành trẻ mầm non, dư luận lại nóng lên vấn đề quản lý các nhóm trẻ, nhóm lớp độc lập tư thục.

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát trình độ chuyên môn của đội ngũ, lắp camera… là những giải pháp được nhiều địa phương triển khai. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phải giáo dục cho GV, nhân viên làm việc với cái tâm chứ không phải là với camera, bởi không phải chỗ nào cũng lắp đặt thiết bị theo dõi này được.

Gần như các vụ bạo hành trẻ mầm non đều rơi vào những cháu mới bắt đầu đi nhà trẻ. Dỗ cháu mới bao giờ cũng là áp lực, khó với các cô. Làm sao để trẻ thấy an toàn, gần gũi ở môi trường sẽ hòa nhập nhanh? Điều này cần được xây dựng thành một quy trình ứng xử cho giáo viên.

Năm 2013, dư luận dậy sóng khi xem clip “đọa đày trẻ mầm non” được ghi lại tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, tại phiên tòa lưu động của TAND quận Thủ Đức, “bảo mẫu” N.L.T.L bị tuyên phạt 3 năm tù giam vì tội “hành hạ người khác”. Sau 20 tháng thụ án, T.L được đặc xá trong dịp 2/9/2015.

Trong một bài phỏng vấn sau đó, L. thừa nhận rằng mình không đủ kinh nghiệm và kiên nhẫn để chịu đựng áp lực của công việc: “Trẻ con lúc ngoan thì quá thương, lúc bướng, nghịch, không nghe lời thì quá bực mình. Áp lực đã khiến tôi không kiềm chế được, xử sự sai lầm, không đúng với bản chất con người mình, không đúng với tình thương mà tôi đã gắn bó với mấy đứa trẻ”.

Lắp camera tại các cơ sở giáo dục mầm non được xem là giải pháp để nhà trường, phụ huynh, giáo viên cùng theo dõi diễn biến trong giờ học của trẻ cùng ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức của người nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, không phải nhóm lớp nào cũng có đủ điều kiện để trang bị camera khi mức học phí ở các lớp độc lập tư thục phần lớn không cao. Chưa kể camera không “quét” hết được các góc của một lớp học. Đã có những GV đưa trẻ tới góc khuất để đánh, đem vào phòng vệ sinh để xịt nước…

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục thừa nhận, GV mầm non luôn phải kiên nhẫn, kiềm chế, bình tâm dù ở trong tình huống nào. Những trạng thái tâm lý, tình cảm, lương bổng, lo toan đời sống… GV đều không nên mang vào trường. Đã theo nghề giáo, nhất là GV mầm non phải có cái tâm yêu, mến trẻ... Nếu có tình yêu với trẻ, kỹ năng nghề nghiệp thì có nóng giận mấy cũng không thể xảy ra bạo hành được. Tất cả những điều đó là mong muốn, là kì vọng hay đơn thuần là kiến thức trong sách vở. Trong khi thực tế đứng lớp, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên lại tùy thuộc không ít vào những tác động của ngoại cảnh, môi trường và bản thân mỗi người.

Hàng năm, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đều mở các khóa tập huấn nhằm bồi dưỡng cảm xúc tích cực; kỹ năng quản lý, kiềm chế cảm xúc cho đội ngũ GV mầm non, đặc biệt là cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm lớp độc lập tư thục.

Một nội dung không thể thiếu trong các chuyên đề này chính là trang bị kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liện quan đến bảo vệ trẻ em. Cùng với tình yêu trẻ, kỹ năng và sự am hiểu pháp luật là hành trang nghề nghiệp cho mỗi GV, bảo mẫu ở bậc học mầm non. Có thể điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa bảo đảm, nhưng nếu GV có tâm, kiên trì, việc nuôi dạy trẻ sẽ nhẹ nhàng, bớt vất vả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.