Điều đáng nói là gần như cùng với thời gian phiên tòa nói trên đang diễn ra, thì dư luận lại sôi sục trước thông tin một vụ bạo hành khác ở cơ sở Mầm non Ánh Sao Vàng (Bình Chánh, TP HCM). Vì trẻ nôn sau uống sữa, bảo mẫu đã kẹp cổ, đánh liên tiếp vào mặt trẻ đến nứt cả xương hàm, mặt bầm tím. Cơ sở Mầm non Ánh Sao Vàng có lắp camera, người giữ trẻ biết điều đó nhưng vẫn bạo hành trẻ ngay trước ống kính.
Trước đó, tháng 5/2018, bảo mẫu nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng bị phát hiện bạo hành trẻ mầm non. Với tính chất nghiêm trọng của các vụ việc, cơ quan công an đã vào cuộc, bắt giữ các bảo mẫu bạo hành trẻ để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh được phát giác từ cuối năm 2017, gây rúng động dư luận, với sự tham gia của 3 bảo mẫu Phạm Thị Mỹ Linh, Phạm Thị Huỳnh, Nguyễn Thị Đào. Họ đã dùng can nhựa, ống nhôm, chổi, dao… để “dạy dỗ” một cách tàn nhẫn các cháu từ 5 tháng - 12 tháng tuổi. Đáng chú ý, bị cáo Linh còn là chủ cơ sở mầm non lại tiếp tay hành hạ trẻ. Khi sự việc được phát giác, cơ quan chức năng vào cuộc, các “ác quỷ” đội lốt bảo mẫu ấy lại đưa ra đủ lý do để biện minh, cuối cùng là nhỏ nước mắt ăn năn hối lỗi khi nhận án…
Nhu cầu gửi trẻ mầm non hiện nay là rất lớn. Sự ra đời của hình thức nhóm/lớp mầm non tư thục phần nào đỡ gánh nặng cho các trường mầm non công lập, phục vụ nhu cầu gửi trẻ của các gia đình có con nhỏ. Đã có những văn bản rất cụ thể quy định các điều kiện thành lập cho các cơ sở mầm non tư thục, từ quy định về cơ sở vật chất, số lượng trẻ/lớp… đến điều kiện về bảo mẫu, người quản lý cơ sở. Theo phân cấp quản lý, UBND cấp quận, huyện, thị xã phối hợp tiến hành công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các cơ sở mầm non tư thục này.
Vậy nhưng có không ít cơ sở mầm non tư thục mở ra một cách tự phát, không đủ điều kiện hoạt động vẫn ngang nhiên “mọc ra” ở một vài địa phương. Hoạt động này không thể diễn ra âm thầm, kín đáo bởi người ra vào gửi con đón trẻ nườm nượp, tiếng trẻ cười nói quấy khóc hàng ngày…
Nếu sâu sát kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý địa phương ắt sẽ nắm bắt thông tin được ngay, rằng chủ cơ sở là ai, có bằng cấp gì không, tuyển chọn những ai vào làm bảo mẫu, có ký hợp đồng lao động không, hoạt động thường ngày như thế nào, đã có giấy phép hoạt động rồi thì có điều kiện hiện tại có đúng như xin phép hay không… Vậy nhưng đâu đó dường như vẫn còn sự nể nang, coi nhẹ kiểm tra, giám sát. Chỉ khi nước mắt con trẻ rơi vì sự tàn nhẫn của các bảo mẫu mầm non tư thục thì các cơ quan chức năng mới giật mình vào cuộc.
Trong thực tế, nhiều sự vụ diễn ra trên địa bàn được cơ quan quản lý nắm bắt rất nhanh, chỉ cần chớm vi phạm thôi đã tuýt còi cảnh báo. Đơn cử: Nhà nào phá dỡ cái tường rào chưa xin phép, sau 10 - 15 phút đã thấy cán bộ phường xuất hiện lập biên bản; Chỉ mong hoạt động của các cơ sở, nhóm/lớp mầm non tư thục được giám sát chặt chẽ như vậy, để làm sao mới chỉ “thò một chân” ra khỏi quy định, ngay lập tức các chủ cơ sở sẽ bị cơ quan quản lý địa phương tuýt còi!