Bạo hành trẻ mầm non: Muốn luật được tuân thủ, phải hành luật nghiêm

GD&TĐ - Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) - khi bày tỏ quan điểm về các vụ bạo hành trẻ trong trường mầm non.

Bạo hành trẻ mầm non: Muốn luật được tuân thủ, phải hành luật nghiêm
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)
 Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT)

Bạo hành thường xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục

Ông Nguyễn Bá Minh cho biết: Trong 5 năm qua, số trẻ mầm non đến lớp tăng gần 1 triệu. Với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng như vậy, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được thành lập đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Nhiều trường mầm non tư thục được đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ, tạo được uy tín và niềm tin đối với phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số nhóm lớp độc lập tư thục tuyển dụng giáo viên không đúng tiêu chuẩn, một số giáo viên phẩm chất, đạo đức, năng lực nghề nghiệp yếu kém không giải quyết được những tình huống đòi hỏi cần có kỹ năng nghề nghiệp (trẻ hay khóc, trẻ biếng ăn, hay đi vệ sinh không đúng lúc đúng chỗ...); điều kiện làm việc.

Đời sống giáo viên ở một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục khó khăn, áp lực công việc lớn; công tác quản lý của cơ sở giáo dục mầm non đó chưa đáp ứng yêu cầu; một số địa phương còn có biểu hiện buông lỏng quản lý (cấp phép, giám sát, kiểm tra, phát hiện sai phạm, hỗ trợ và xử lý), dẫn đến việc không đảm bảo an toàn cho trẻ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non nhận định: Điểm chung của các vụ bạo hành này là thường xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (chủ yếu là ở các nhóm lớp độc lập tư thục); thường liên quan đến những tình huống, như trẻ biếng ăn, trẻ hay khóc, trẻ đi vệ sinh không đúng lúc đúng nơi...

Với những giáo viên mầm non có kỹ năng, kinh nghiệm tốt thì không có “vấn đề”, nhưng với những giáo viên kỹ năng nghề kém, kinh nghiệm non thì sẽ bị áp lực, bức xúc cộng thêm việc không ý thức được trách nhiệm, bổn phận của người giáo viên mầm non thì dễ xảy ra những hành vi mang tính bạo hành trẻ.

“Theo tôi, những hành vi bạo hành của một số giáo viên tại một số cơ sở giáo dục mầm non vừa qua là những hành vi phản giáo dục, vi phạm quyền trẻ em, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín, danh dự của đội ngũ gần 300.000 giáo viên mầm non cả nước, yêu nghề, yêu trẻ, tận tụy tâm huyết với nghề nghiệp, vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại để chăm sóc giáo dục gần 5 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non” - ông Nguyễn Bá Minh nêu quan điểm.

Giải pháp: Xử lý nghiêm, quản lý tốt và chính sách hỗ trợ…

Để khắc phục tình trạng này, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương rà soát, phát hiện và xử lý thật nghiêm những cá nhân và tổ chức vi phạm các quy định; đồng thời nhấn mạnh

Tôi cho rằng, việc xử lý một cách nghiêm minh là việc các địa phương cần làm. Giáo viên vi phạm xử lý đúng vi phạm, cơ sở giáo dục mầm non để xảy ra tình trạng mất an toàn, xử lý đúng mức; cấp quản lý nào trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục mầm non để xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ cũng cần được xử lý. Hành luật có nghiêm thì luật mới được tuân thủ.

Cùng với việc xử lý nghiêm, quản lý tốt thì việc có những chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là chính sách đối với giáo viên), nhóm lớp độc lập tư thục cần được đẩy mạnh. Cùng với đó, thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ theo yêu cầu của Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng tránh ai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

Ngành Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, ban, ngành liên quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.

Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở giáo dục mầm non và đơn vị trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục mầm non để xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ.

Phòng GD&ĐT các quận huyện chỉ đạo thực hiện tốt việc hỗ trợ về chuyên môn cho các nhóm lớp độc lập, tư thục; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện có hiệu quả đề án 404 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, nghề nghiệp, tình yêu thương trẻ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; có biện pháp giảm áp lực làm việc cho giáo viên mầm non.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng tránh tai nạn thương tích cho người chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ và cộng đồng.

“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non. Nội dung này thuộc nhiệm vụ “nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”, một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ngành đang triển khai để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có việc tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.

Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non sẽ được tạo điều kiện để rà soát, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên mầm non, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; công tác kiểm định chất lượng sẽ được đẩy mạnh” - ông Nguyễn Bá Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.