Khi tình địch chính là... em gái

Tôi bị chồng phản bội. Đau lắm, ức lắm, tủi nhục lắm!… Đàn ông ai chẳng có thói trăng hoa, nên nếu chỉ là một cuộc chơi qua đường bình thường, với một tình địch không quen biết, có lẽ tôi sẽ không đau như bây giờ. 

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Khổ nỗi, chuyện ngoại tình này lại diễn ra trong chính ngôi nhà thân thuộc của tôi, “tình địch” của tôi lại chính là đứa em gái ruột…

Giờ đây, khi mọi chuyện vỡ lở, “tình địch” của tôi chỉ biết co người trong góc nhà, khóc lóc. Nhìn em ruột mình như vậy, tôi vừa giận vừa xót…

Tôi là chị cả, sau tôi có đến ba đứa em, Mai là út. Cả nhà ai cũng cưng Mai. Tôi thương yêu em út, hết lòng dìu dắt. Hết lớp 12, tôi lên thành phố học đại học. Ra trường, tôi đi làm và ở lại thành phố rồi gặp và yêu chồng tôi hiện giờ. 

Anh đẹp trai, cao to, giỏi kiếm tiền, lại rất khéo ăn nói và chơi đàn rất hay. Dẫu biết anh có tính trăng hoa, nhưng tôi nghĩ đơn giản, cứ lấy nhau đã, thành vợ thành chồng chắc anh sẽ từ từ thay đổi.

Rồi em tôi vào đại học. Mai lên thành phố, sẵn nhà cửa rộng rãi, tôi cho em gái ở cùng với mình. Thấm thoắt, Mai đã ở nhà tôi được ba năm. Một đằng là chồng mình, một đằng là em ruột, tôi chưa bao giờ mảy may nghi ngờ…

Khi mọi sự đổ bể, tôi mới thấy giận bản thân. Tôi là đàn bà, mà sao quá hời hợt, vô tâm. Ngẫm lại mọi chuyện, tôi mới biết em tôi đã thầm ái mộ anh rể ngay từ lúc dưới quê chân ướt chân ráo lên thành phố. Lúc ấy, tôi hay nhờ anh chở Mai đi thi, đi xem điểm, đi mua mấy thứ lặt vặt… 

Anh còn dạy Mai chơi đàn. Mai vào đại học, bản tính nhút nhát, rụt rè nên cũng chẳng có nhiều bạn, bạn trai càng không. Người khác phái duy nhất mà Mai tiếp xúc nhiều chính là… anh rể. 

Có lúc, tôi còn nghe Mai tâm sự: “Em mà có bạn trai thì phải đẹp, phải giỏi cỡ anh Thanh (tên chồng tôi)”. Nghe vậy, tôi chỉ cười, lòng còn thầm đắc ý, cho rằng em gái hâm mộ chồng mình nên mới nói vậy.

Khoảng một năm gần đây, tôi thay đổi vị trí công tác, thường xuyên phải đi tỉnh, nhanh thì một hai ngày, lâu thì cả tuần mới về. Có lần, mẹ tôi nhắc khéo: “Nếu con hay vắng nhà thì cho con Út ra nhà trọ ở, chứ để vậy e không ổn!”. Tôi chỉ cười xòa, nói: “Mẹ khéo lo!”. Tôi đâu có ngờ, chuyện mẹ tôi lo lại thành hiện thực.

Lúc đầu, chồng tôi chỉ đơn giản là: “Tiện đường, anh chở Út đi học luôn!”. Rồi từ từ “nặng đô” hơn: “Tối nay buồn quá, hai anh em mình đi ăn cái gì đi!”. 

Từ đi ăn chuyển qua đi chơi, đi xem phim…, từ đi gần chuyển qua đi xa, rồi thân thiết, chuyện gì cũng thủ thỉ tâm sự. Mấy lần về nhà, thấy anh em thân với nhau, tôi còn ngây thơ dặn chồng: “Con Út nó còn khờ lắm, anh ở nhà có gì để ý nó giùm em”. 

Tôi vắng nhà liên tục, em tôi vốn ngu ngơ, lại thầm ái mộ ông anh rể. Trong khi đó, chồng tôi sẵn tính trăng hoa, khoái của lạ. Lửa gần rơm… Nếu tuần trước, tôi không bất chợt về nhà nửa đêm giữa chuyến công tác, thấy hai anh em ngủ chung phòng, chẳng biết tôi còn mù mờ đến khi nào.

Giờ tôi như kẻ cùng đường, chẳng biết làm sao cho phải. Với chồng tôi, dẫu anh đã xin lỗi, đã mong hàn gắn, nhưng liệu tôi có thể bỏ qua, có còn đủ tình yêu, đủ niềm tin để tiếp tục cùng anh xây tổ ấm? 

Còn với em tôi, dẫu tôi có thể rộng lòng tha thứ, nhưng tình chị em của chúng tôi biết chừng nào mới trở lại bình thường? Mai còn quá trẻ, quá ngây thơ, giờ đây gặp phải biến cố này, cái quý nhất của đời con gái cũng chẳng còn, liệu vết thương này của em tôi biết chừng nào mới lành?

Trong tôi bây giờ chỉ là nỗi đau. Giá như tôi đừng quá vô tâm, đừng quá hời hợt… Giá như em tôi đừng quá khờ dại…

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ