Điểm chung nhất là em này thường hay chất vấn thầy cô về điểm số. Tôi nghe nhưng không lưu tâm lắm vì thầy cô nào dạy học mà không một lần bị học sinh khiếu nại về điểm số bài làm của mình.
Ngày đầu nhận lớp, tôi thông báo rằng nếu học sinh nào khiếu nại về điểm kiểm tra nếu đúng là lệch với thang điểm trong đáp án sẽ được chấm lại theo hướng nâng lên. Ngược lại, bài nào thầy chấm lại mà không có ý nào mới, nghĩa là đúng với thang điểm, sẽ bị hạ điểm xuống!
Tôi tin vào sự chính xác khi chấm bài của bản thân nên nói như thế. Mục đích để tránh việc khiếu nại, so bì điểm số trong học sinh tạo thành mối bất hòa trong lớp. Thật lòng tôi biết học sinh có quyền đề nghị thầy cô chấm lại bài kiểm tra nếu thấy chưa thống nhất và thầy cô không có quyền hạ điểm học sinh nếu khiếu nại không hợp lý. Cả lớp tuy yên lặng lắng nghe nhưng tôi nhìn thấy sự không đồng tình trong mắt các em. Tự tin vào bản thân, tôi nghĩ mình sẽ chấm dứt thói quen hay khiếu nại điểm số trong năm học này.
Tháng đầu tiên chưa có bài kiểm tra nên tôi chưa ghi nhận trường hợp nào. Đầu tháng thứ ba, môn tôi dạy có bài kiểm tra 1 tiết. Đúng như thực lực, các em đạt điểm rất cao. Ngày trả bài kiểm tra, các em rất vui vì kết quả tốt như mong đợi. Bỗng nhiên có một em - tên là T.K, giơ tay xin phát biểu. Tôi đồng ý, lòng hơi phân vân vì đoán chắc em đang khiếu nại điểm số đây. Quả như vậy, T.K mang lên bài kiểm tra của em và của bạn ngồi cùng bàn. Bài của bạn được trọn mười điểm, bài của T.K chỉ 9,5. Em đề nghị tôi chấm lại vì qua so sánh thấy hai bài không khác gì nhau.
Tôi nhắc lại với K.T là sẽ hạ điểm nếu khiếu nại không có cơ sở. Em đồng ý. So sánh hai bài làm, tôi chỉ ra một ý của T.K khác biệt so với bài của bạn. Đó là lý do bài của em không được điểm tối đa. Cả lớp ồ lên vì tin tôi sẽ trừ điểm T.K. Theo đó bài của em sẽ chỉ còn 8,5 điểm. T.K mang bài về chỗ, nước mắt lưng tròng. Suốt tiết học hôm đó, em như người mất hồn. Từ tâm trạng đắc thắng của một người thầy, tôi chột dạ. Biết đâu mình quá khắt khe. Vì rằng, TK và các bạn, ai cũng có quyền khiếu nại nếu chưa hài lòng với điểm số thầy ghi. Biết đâu thầy cũng chấm sai, chấm sót.
Hết tiết học, tôi gọi T.K lên. Tôi mượn lại bài của T.K và bạn mang về với lý do cần xem xét cho thật rõ trước khi quyết định lại điểm số của T.K. Em trao bài lại cho tôi với vẻ mặt không vui như biết trước kết quả không thể nào thay đổi.
Tối hôm đó, tôi mang bài của hai em ra chấm lại từng ý một. Bài của bạn không ý nào khác với đáp án. Mười điểm là chính xác. Bài của T.K quả có khác bài bạn ở phần trình bày suy nghĩ của bản thân trước vấn đề nêu ra trong đề bài. Những gì T.K nêu lên cho thấy em đã đọc nhiều tư liệu, không dừng lại ở những kiến thức từ sách giáo khoa. Em cũng đã mạnh dạn không dừng lại với những gợi ý của thầy khi giải quyết vấn đề.
Lẽ ra tôi phải biểu dương, khuyến khích cách làm bài sáng tạo, nhiều công phu của T.K thì lại làm ngược lại. Không hài lòng vì những gợi ý của mình không được học sinh sử dụng, không chấp nhận ý kiến khác với nhận định từ sách giáo khoa, tôi đã sai trong việc chấm bài các em. Cuối cùng, tôi cẩn thận sửa lại điểm số bài kiểm tra cho T.K.
Tiết học sau đó, tôi nói với cả lớp rằng tôi có sai sót khi chấm bài của T.K. Tôi đã điều chỉnh cho em. Các em có thể học tập T.K ở việc mạnh dạn trình bày nhận xét, suy nghĩ của bản thân khi gặp các câu hỏi mang tính vận dụng cao không lệ thuộc câu chữ của sách giáo khoa hay từ gợi ý của thầy. Đồng thời tôi cũng thông báo sẽ không áp dụng việc trừ điểm các em khi có khiếu nại về điểm số bài chấm. Các em có quyền như vậy và thầy không có quyền hạ điểm các em. Cả lớp râm ran tiếng cười. T.K mắt long lanh nhìn tôi. Tôi nghĩ em đã lấy lại được niềm tin vào thầy.
Tôi tự nhủ, việc bản thân và một số đồng nghiệp hay bức bối vì học sinh khiếu nại về điểm số là sai. Các em tự tin về bài làm và khi thấy điểm số chưa phù hợp thì khiếu nại là đúng. Nếu người thầy cẩn trọng, chú ý phát hiện sáng tạo của học sinh trong bài làm, điểm số sẽ chính xác, thuyết phục được các em. Nếu vội vàng, tự ái cá nhân, không nhận sai sót, người thầy sẽ sử dụng phương pháp trấn áp, đe dọa học sinh như tôi đã làm.
Các em sẽ mất lòng tin vào thầy cô. Khi các em sai hay hiểu nhầm, phải rất nhẹ nhàng chỉ rõ điểm sai và cách khắc phục để bài kiểm tra sau đạt kết quả tốt hơn. Không chỉ là điểm số, đó còn là rèn luyện tính cách con người. Tôi thầm cảm ơn T.K, nhờ sự dũng cảm của em mà tôi đã thay đổi được ít nhiều phong cách làm việc: cẩn thận hơn khi chấm bài, chú ý phát hiện và khuyến khích, biểu dương các em học sinh có sự sáng tạo trong học tập.