Tham dự lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục cùng với đại diện các cục, vụ của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các trường đại học và phổ thông, các tác giả đoạt giải.
Những cảm xúc chân thành về người thầy
Báo cáo tổng kết cuộc thi, ông Trần Kim Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, được phát động trong một thời gian ngắn (từ 1/9 - 15/11/2018), cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” đã có sức lan tỏa rộng lớn trong các cơ sở giáo dục.
Số lượng bài thi nhận được rất lớn với 60.000 bài dự thi (vượt mức so với dự kiến ban đầu của ban tổ chức và Ban giám khảo, gấp hơn chục lần so với cuộc thi tương tự tổ chức năm 2012). Đây là niềm vui những cũng là áp lực trong khâu tổ chức cuộc thi.
Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ tổng kết |
Thành phần tác giả tham gia dự thi khá phong phú: các nhà giáo, cán bộ quản lý GD, GV, nhân viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu trong các cơ ở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; các trường trong và ngoài công lập; các cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề khác nhau.
Độ tuổi dự thi cũng khá đa dạng, có các em HS các cấp học tiểu học (nhỏ tuổi nhất là HS lớp 2), THCS, THPT, sinh viên đại học. Người cao tuổi nhất gửi bài dự thi là một tác giả sinh năm 1946 (tại Hà Nội).
Hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về thầy cô giáo. Nhiều người đã trở thành thầy/cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là do chính ảnh hưởng từ thầy cô của mình. Có những người may mắn có được thầy cô chủ nhiệm qua hai thế hệ (cả tác giả và con của tác giả đều được học cùng một cô giáo).
Mỗi tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỷ niệm, cảm xúc đẹp đẽ và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Đối tượng tham gia dự thi đa phần là các tác giả không chuyên nên các tác phẩm dự thi phần nhiều viết bằng tình cảm, cảm xúc chân thành của các tác giả dành cho thầy cô giáo và ngôi trường của mình.
Đây cũng chính là điểm nhấn trong chất lượng các tác phẩm dự thi vì ngay từ khi xây dựng thể lệ cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã định hướng tới việc khai thác những câu chuyện về người thật, việc thật để có nguồn tư liệu thực tế phong phú, đa dạng về những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, điển hình phục vụ công tác tuyên truyền trong toàn ngành Giáo dục.
BTC đã chọn và trao 4 giải phụ cho các tác giả |
Ban tổ chức đã chọn và trao tổng cộng 27 giải thưởng cá nhân và tập thể, cụ thể:
*Giải theo thể lệ: có 23 giải các nhân và tập thể gồm: 2 giải tập thể, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3, 15 giải khuyến khích. Giải nhất được trao cho cô giáo Trịnh Thị Vân, Trường THCS Yên Phú, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tác phẩm “Cô giáo – mẹ hiền”.
*Giải phụ: BTC đã chọn và trao 4 giải phụ bao gồm: 1 giải cho tập thể có số lượng dự thi đông nhất; 1 giải cho thí sinh nhỏ tuổi có bài thi chất lượng; 1 giải cho GV trẻ tuổi nhất được học trò tôn vinh; 1 giải cho đơn vị có bài dự thi chất lượng nhất.
Khơi dậy ngọn lửa yêu thương
Thay mặt các tác giả đoạt giải, cô giáo Nguyễn Thanh Bình, GV Trường THPT Chu Văn Thịnh, Mai Sơn, Sơn La chia sẻ: Yêu thương là một trong 12 giá trị sống cốt lõi, việc làm của cô giáo Duyên ( nhân vật trong bài viết) là minh chứng rất cụ thể, đã khơi dậy những ngọn lửa yêu thương trong lòng các thầy cô giáo trong nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại lễ tổng kết |
Tình cảm ấy đã tiếp sức cho tôi, cho tôi cũng như rất nhiều thầy cô giáo đang công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc, vượt khó vươn lên, tâm huyết, sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự nghiệp “trồng người”.
Ở bất cứ nơi đâu, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nơi nào có mái trường mến yêu, thì ở đó mãi còn hiện hữu nhiều lắm hình ảnh những người như cô giáo Duyên trong bài viết của tôi, cũng như nhiều bài viết khác, với nhiều lắm những việc làm nhỏ bé âm thầm mang ý nghĩa lớn lao. Họ đã hi sinh thầm lặng, kiên trì và bền bỉ vì thế hệ trẻ, vì một tương lai đất nước đẹp hơn, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ lúc sinh thời : “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Nhân lên những điển hình tiên tiến trong ngành GD
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, mỗi người đều gắn bó với quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, đó là quãng thời gian đẹp nhất, đong đầy những kỷ niệm. Với mỗi người, ngôi trường là ngôi nhà thứ 2, với thầy cô giáo là những người mẹ, người anh, với bạn bè chính là anh, chị, em. Ở nơi đó, thầy cô là những người luôn nghiêm khắc và dịu hiền, dìu dắt chúng ta mỗi bước trưởng thành.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ tổng kết |
Qua gần 3 tháng phát động đã có 60,000 bài thi, điều đó khẳng định sức hấp dẫn của cuộc thi này, cũng như sự quan tâm của toàn xã hội đối với thầy, cô giáo, các nhà trường và ngành giáo dục. Điều đặc biệt ở cuộc thi này hầu hết là những cây bút không chuyên viết về thầy giáo của mình, điều đó thể hiện thầy giáo từ ngàn đời luôn được trân trọng, tin yêu.
Mỗi tác phẩm khắc họa về kỷ niệm đẹp về thầy cô giáo cũng là khắc họa bức chân dung đẹp về những thầy cô giáo, những người tài năng, tâm huyết, thầm lặng, tận tụy cống hiến cho đời. Như cô giáo Thanh Bình viết về cô giáo cứ đến mùa giáp hạt lại cho xe chở một tấn gạo đến trường chia cho các em học sinh trường mình.
Tác phẩm này có sức lan tỏa lớn, chính là những tài liệu để tuyên truyền điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy học. Mong rằng từ cuộc thi này, chúng ta có nhiều hơn nữa những tấm gương nhà giáo tâm huyết để chúng ta càng tự hào hơn nữa về những người thầy mẫu mực, tài năng.