1.
Thật ra việc liên hệ gia đình học sinh là không thể thiếu khi làm công tác chủ nhiệm lớp. Những dòng chữ sơ lược trong lý lịch học sinh mà các em viết để nộp cho thầy cô vào đầu năm học chưa nói lên được tất cả về hoàn cảnh từng em. Muốn thành công trong giáo dục học sinh không thể bỏ qua việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các em.
Trường nằm ở vị trí nội ô còn dễ dàng, trường ở vùng ven thật là gian nan cho thầy cô. Đơn cử như trường tôi dạy, số các em có nhà cách trường vài ba km cho đến nhiều hơn là 5 - 10km rất nhiều. Thực tế, đường đến nhà các em đâu phải lúc nào cũng dễ đi, dễ tìm với nhiều ngóc ngách, rồi qua sông... Cha mẹ các em phải lao động mưu sinh, thường khi họ trở về nhà thì trời đã tối.
Thầy cô làm công tác chủ nhiệm lớp tất nhiên phải đến thăm nhà các em, nhất là các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay có vi phạm về hạnh kiểm. Mục đích của những lần thăm này, ngoài việc thông báo tình hình học tập, rèn luyện của các em cho cha mẹ biết còn là xây dựng tình cảm thân thiện giữa nhà trường và gia đình cùng tìm ra cách phối hợp giáo dục các em. Biết chắc hoàn cảnh khó khăn của học sinh, thầy cô chủ nhiệm mới cùng nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có phương án giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.
Trong thực tế, nhiều thầy cô đã không ngại đường sá xa xôi, cố gắng đến nhà các em. Tâm lý chung của các bậc cha mẹ thường là ngạc nhiên và lo lắng khi thấy thầy cô… xuất hiện vì cho rằng con cái có sai phạm gì đây chắc thầy cô mới đến và đến là để… “mắng vốn”. Thậm chí có gia đình vội vàng tập hợp cả ông bà cô bác lại để nghe xem con cháu mình sai phạm những gì. Được vậy là còn may mắn, nhiều gia đình học sinh có cha mẹ phải lao động vất vả cả ngày nên họ ngại tiếp khách. Về nhà cơm nước xong là đi ngủ để lấy sức cho ngày mai nên khi thầy cô đến nhà thì rất ngại tiếp hay chỉ tiếp quấy quá cho xong. Thầy cô thấy vậy cũng ngại lây nên đành ra về.
Có trường hợp, thầy cô đến nhà thì gặp phải gia đình đang bày tiệc. Thế là chủ nhà nằng nặc yêu cầu thầy - và có khi là cô giáo, phải cụng ly mới chịu tiếp khách. Thật là khó xử. Cá biệt có phụ huynh mải bài bạc hoặc xem phim không màng đến chuyện thầy cô đứng trước nhà.
Sự gian nan trong việc đến nhà học trò còn ở chỗ ngày thường thầy cô phải lên lớp theo thời khóa biểu, phải dự họp, soạn bài, chấm bài và làm nhiều công việc khác, chưa kể cũng phải chăm lo cho cuộc sống gia đình, không phải lúc nào muốn là đi thăm nhà học sinh được ngay. Ngược lại, thầy cô mời cha mẹ học sinh đến trường cũng là khó vì cha mẹ các em không dễ bỏ công việc làm ăn cho dù là vài tiếng đồng hồ. Ở trường tôi dạy, đa phần họ là người làm thuê.
Thế nên, thầy cô nào may mắn mới gặp được cha mẹ các em ban ngày, còn không đành chọn giờ thành phố lên đèn để đi thăm là chắc ăn nhất. Đi thăm còn phải xác định mục đích là gặp gỡ, tâm tình với nhau để có sự cảm thông và tìm cách giúp các em học tập, rèn luyện tốt hơn chứ không chỉ đi cho biết nhà rồi về. Nhiều cô giáo chủ nhiệm khi đi thăm nhà học sinh phải “huy động” chồng cùng đi vì khoảng cách quá xa, cần an toàn khi đi khi về.
Một lớp trung bình có 45 học sinh, suốt năm học thầy cô chủ nhiệm đến thăm 10 - 15 gia đình đã là sự cố gắng nếu không nói là có tâm huyết. Việc đến nhà mà không gặp cha mẹ các em, hay không ai tiếp thầy cô là chuyện thường xảy ra. Có phụ huynh khi trao đổi là giao hết trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Câu nói “thầy cô thường nghe” nghĩa là (Thầy cô thông cảm cho nó học đi, ở nhà nó quậy xóm làng nào chịu nổi!). Còn nếu do gia cảnh khó khăn, thầy cô chủ nhiệm đến vận động học sinh trở lại trường thì phụ huynh hỏi thẳng “Mỗi ngày nó làm công được 70 nghìn đồng, nay cho nó đi học, số tiền đó thầy cô tính sao, có bù vào được không?”. Éo le còn ở chỗ, thời gian để đi đến nhà học sinh thường nhiều hơn thời gian phụ huynh tiếp chuyện thầy cô.
2.
Kể lể như trên không có nghĩa là ngại khó mà chính vì những khó khăn như thế, thầy cô càng tìm cách để đến với gia đình các em.
Tôi cũng từng ái ngại trước gia cảnh của một học sinh chưa ngoan trong lớp. Tìm được nhà em mất cả giờ đồng hồ. Nhà em thuộc hộ nghèo, mẹ bệnh tâm thần bị cha xích vào giường để tránh bỏ nhà đi lang thang. Cha làm thuê, công việc bấp bênh lại hay uống rượu nên còn tâm sức đâu mà quan tâm con cái. Sau khi trao đổi với tôi, người cha ấy hứa sẽ không đánh đập em vô cớ nữa.
Tôi đề nghị ban đại diện cha mẹ học sinh của trường giúp cho gia đình một khoản trợ cấp để em theo học cho đến khi tốt nghiệp THCS. Có cậu con trai cùng độ tuổi, tôi chia sẻ vài bộ quần áo để em tươm tất hơn khi đến trường. Tôi còn phân công bạn bè cùng đến trường hằng ngày và giúp đỡ em học trong lớp. Sau đó, việc học của em khá hơn. Em không còn nằm trong danh sách học sinh chưa ngoan của lớp. Cuối năm, em tốt nghiệp và theo học trường dạy nghề của tỉnh.
Đồng nghiệp của tôi cũng nhờ lặn lội đến thăm nhà học sinh mới tình cờ giúp một số phụ huynh giáo dục con bằng đòn roi, thậm chí là đốt bỏ sách, quần áo khi con phạm lỗi. Vì những vụ việc bạo hành trong gia đình như vậy, học sinh không bao giờ tiết lộ, mà cam chịu. Tất nhiên thầy cô chủ nhiệm không phải chỉ gặp một lần là có kết quả tốt.
Nếu có điều kiện, thầy cô nên trở lại một vài lần để thông báo kết quả của học sinh cho cha mẹ biết, cùng chia sẻ và xem cuộc sống gia đình em đã khác trước chưa.