Khi thất bại là điều lớn lao

GD&TĐ - Nếu có coi trượt đại học là một thất bại, thì đây cũng là một thất bại cần thiết giúp chúng ta trưởng thành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đỗ - trượt, người buồn - kẻ vui là chuyện muôn thuở sau mỗi kỳ thi, nhất là một kỳ thi có tính chất bước ngoặt như tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học. Năm nay, với nhiều nguyên nhân mà cơ quan chức năng, chuyên gia đã lý giải rất rõ, có những thí sinh “sốc” khi không đỗ đại học vì đang trong tâm thế rất tự tin với điểm số của mình. Nhiều thí sinh không vượt qua nguyện vọng 1 trải nỗi niềm trên trang cá nhân với sự hoang mang, thất vọng, mất phương hướng, thậm chí mất niềm tin vào chính mình. 

Dù chỉ là hãn hữu, nhưng câu chuyện thương tâm đâu đó vẫn diễn ra sau kỳ thi đại học trong nhiều năm qua. Đặc biệt, những quốc gia mà áp lực thi cử là lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… hàng năm vẫn có những thí sinh chọn cách kết thúc cuộc sống khi không đạt được kỳ vọng sau kỳ thi. Tất cả có lẽ đều bắt nguồn bởi 2 từ “áp lực”. Áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của chính bản thân mình, coi đỗ đại học là yếu tố quyết định cả quãng đời còn lại; áp lực từ sự kỳ vọng của gia đình, họ hàng. Kỳ vọng càng cao, khi không đạt sẽ gây ra thất vọng càng lớn. Do đó, trượt ĐH là một bi kịch khủng khiếp không thể đối mặt.

Trong cuộc sống ai chẳng có ít nhất đôi lần thất bại; chính qua những thất bại và học từ thất bại cũng là một con đường dẫn tới thành công. Đối mặt với thất bại, do đó là một kỹ năng đặc biệt cần cho người trẻ. Trượt đại học có thể là một thất bại, nhưng đó hoàn toàn không phải là thất bại ghê gớm, bởi còn rất nhiều cơ hội khác vẫn chờ thí sinh ở phía trước. Khi một cánh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Vẫn còn các nguyện vọng khác ngoài nguyện vọng 1; thậm chí trường đại học mơ ước vẫn mở cửa chào đón thí sinh ở năm sau, nếu thí sinh đó có đủ quyết tâm, nỗ lực. Chưa kể, đại học chắc chắn không phải là con đường thành công duy nhất. Và dù có được tấm bằng đại học để tự tin mình có hành trang bước vào cuộc sống dễ dàng hơn, thì tấm bằng này cũng sẽ mất đi giá trị nếu chủ nhân của nó không tiếp tục nỗ lực, cố gắng. 

Một chuyên gia giáo dục, trước những giọt nước mắt thất vọng của một bộ phận thí sinh trượt đại học khi chia sẻ trên trang cá nhân đã liên tưởng đến câu chuyện về việc những người yếu đuối khi gặp khó khăn luôn khóc để chờ một ông tiên, ông bụt đến giúp đỡ, giải quyết vấn đề thay mình. Chuyên gia này cho rằng, bạn có quyền khóc, nhưng cũng có quyền mỉm cười chúc mừng bạn bè và bắt đầu tìm kiếm lý do ta chưa thành công, từ đó xây dựng một chiến lược mới với những kế hoạch, tiêu chí cụ thể để làm nấc thang cho bản thân leo lên từng bậc một.

Kỳ thi đại học năm nay vẫn chưa kết thúc và tương lai các trường đại học vẫn sẽ có những cách thức khác nhau để chọn thí sinh phù hợp với mình. Một kỳ thi cạnh tranh thì không thể tránh khỏi người đỗ, kẻ trượt; không thể tránh khỏi người buồn, kẻ vui. Quan trọng là, người học cần được thấm nhuần nhận thức ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường; cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống để sẵn sàng sức đề kháng trước những khó khăn, thất bại; sẵn sàng đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách. Một thế hệ mới, mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm chắc chắn không thể chỉ như một cây non dễ dàng đổ gục dù chỉ qua một cơn bão nhẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ