Khi sinh viên làm trợ giảng

GD&TĐ - Bên cạnh hệ thống trợ giảng là giảng viên trẻ, một số trường ĐH tuyển chọn SV giỏi làm trợ lý giảng dạy, đảm nhiệm các công việc như chuẩn bị bài giảng; tổ chức và theo dõi SV làm việc nhóm, làm dự án; củng cố kiến thức, hướng dẫn SV làm bài bài tập… 

Khi sinh viên làm trợ giảng

Ngoài việc được củng cố, nâng cao kiến thức, SV làm trợ giảng còn có cơ hội tích lũy các kỹ năng mềm, rèn nghe – nói tiếng Anh… và làm thêm ngay trong môi trường giảng đường.

Học từ thầy, từ bạn

Từ năm 2013, chương trình tiên tiến (CTTT) Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) bắt đầu tuyển chọn SV xuất sắc đang theo học CTTT ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng làm trợ giảng cho giảng viên trong chương trình học.

TS Nguyễn Lê Hòa – phụ trách CTTT cho biết: “Giảng viên bộ môn sẽ chọn SV tham gia làm trợ giảng dựa trên kết quả học tập và quá trình thể hiện ở từng môn học, tiếng Anh tốt và có khả năng truyền thụ”.

Vì là SV khóa trên làm trợ giảng cho SV khóa dưới nên với lợi thế đã hoàn thành xong môn học, các trợ giảng là SV nắm rõ những kiến thức khó, những chỗ SV hay gặp lúng túng, bí quyết khi làm bài tập, cách hệ thống kiến thức để ôn tập…

“Nhờ có trợ giảng SV, các giảng viên dễ dàng hơn khi triển khai các phương pháp giảng dạy, mô hình mới như làm việc nhóm, seminar, dạy – học theo dự án. Vì cùng là SV với nhau nên các em dễ dàng trao đổi với trợ giảng SV hơn. Nếu trợ giảng là giảng viên, đôi khi các bạn lại ngại không dám hỏi cặn kẽ” - TS Lê Hòa nhận xét.

Lê Nguyễn Thanh Trúc (SV 14ECE – CTTT, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) làm trợ giảng môn Toán Giải tích khi đang là SV năm thứ 3 kể: “Trước mỗi buổi làm trợ giảng, chúng em đều gặp thầy để thầy hướng dẫn các nhiệm vụ của buổi học. Công việc chủ yếu của em là giúp các bạn tổng hợp, củng cố lại kiến thức trong các tiết ôn tập, hướng dẫn cách giải các bài tập khó, giải đáp thắc mắc của các bạn, chia sẻ kinh nghiệm học bộ môn như làm slide, thuyết trình…”.

Nguyễn Hồng Sơn (SV 15ECE) – trợ giảng môn Hóa đại cương cho biết: “Vì phải thuyết trình bằng tiếng Anh nên thường thì trợ giảng phải tư vấn rất nhiều cho các bạn, và phải tư vấn cho nhiều nhóm nên quỹ thời gian dành cho công việc trợ giảng không chỉ là một tiếng đồng hồ ở trên lớp.

Trong quá trình tự học, có gì thắc mắc các bạn sẽ vẫn tiếp tục hỏi qua email, facebook… Mình sẽ vẫn hỗ trợ trong khả năng có thể, những kiến thức quá khó hoặc mình chưa nắm vững thì sẽ trao đổi lại với thầy giáo để nhận được hỗ trợ”. Nhiệm vụ của SV trợ giảng, ngoài giảng bài, còn là sự sẻ chia với SV khóa dưới.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “CTTT chỉ sử dụng trợ giảng là SV đối với các học phần khoa học cơ bản và học phần cơ sở ngành; các học phần chuyên ngành thì thường do giảng viên đảm nhiệm trợ giảng. Đây là những nỗ lực của CTTT để hỗ trợ tối đa giúp người học nắm vững kiến thức môn học”.

Cơ hội để rèn kỹ năng mềm

Trở ngại lớn nhất đối với trợ giảng SV, theo như TS Nguyễn Lê Hòa là áp lực phân bổ thời gian khi chương trình học của SV thuộc CTTT là tương đối nặng. Tuy nhiên, theo như các bạn SV CTTT đã đảm nhận vai trò trợ giảng thì nếu biết sắp xếp việc học một cách khoa học thì công việc trợ giảng giúp cho các bạn trưởng thành hơn rất nhiều.

Theo như Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thì ngoài cơ hội củng cố, hệ thống lại các kiến thức đã học, công việc trợ giảng giúp cho em hoàn thiện các kỹ năng như xử lý số liệu, cách trả lời email, phương pháp tổ chức các hoạt động.

“Quan trọng nhất là khi nghe giảng, chúng em phải nghe tiếng Anh bị động, nhưng khi làm trợ giảng, việc chủ động giảng bằng tiếng Anh sẽ giúp cho mình nâng cao khả năng tiếng Anh rất nhiều. Rồi trong một lớp học, khả năng nắm bắt kiến thức của các bạn là không giống nhau, mỗi bạn sẽ có những thắc mắc riêng nên trợ giảng phải bình tĩnh và việc lắng nghe, chia sẻ cũng góp phần tăng hiệu quả của một giờ trợ giảng”.

SV Võ Minh Anh (13ES) cho rằng, nếu so với làm gia sư thì với công việc trợ giảng, SV sẽ nhận lại được rất nhiều giá trị cộng thêm: “Làm trợ giảng tức là mình quản lý một số lượng người tương đối lớn buộc mình phải có khả năng bao quát. Trên mình còn có cả giáo sư nữa nên áp lực cũng nhiều hơn; Vì vậy, sẽ tạo được sự năng động mà công việc gia sư không có được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Iran giới thiệu tên lửa hành trình Paveh tại Triển lãm phát triển quốc phòng và quân sự của Nga Army-24

Uy lực của tên lửa hành trình Paveh

GD&TĐ -Iran vừa giới thiệu tên lửa hành trình Paveh tại Triển lãm phát triển quốc phòng và quân sự của Nga Army-24, cho thấy sức mạnh của vũ khí này.