(GD&TĐ) - Nạn “hát nhép” của các ca sĩ vẫn và sẽ tiếp tục bị tẩy chay. Còn các nhạc công chơi nhạc “nhép”, làm “cascadeur” trên sân khấu cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. Nhiều người hoài nghi: “Làm sao có thể như vậy được, nhìn các nhạc công vừa đánh đàn, vừa lắc lư và phiêu linh theo âm thanh của họ, thế mà…?!?”
Đi tìm nguyên nhân
Nhạc sĩ trẻ N.H cho biết: “Cách đây không lâu, tôi nhận được lời mời đi đệm đàn (thế chỗ một thành viên trong ban nhạc bận đột xuất) cho một chương trình ca nhạc khá đình đám tại Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM. Khi hỏi giờ giấc tập luyện thì được trả lời “khỏi cần tập”. Hỏi danh mục sẽ được trình diễn thì “Chưa biết sẽ hát bài gì”. Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng vì thiếu sự chuẩn bị. Trước giờ diễn, tôi lên sân khấu chuẩn bị nhạc cụ, lên dây đàn, cắm dây tín hiệu. Đến khi yêu cầu người điều chỉnh âm thanh cho kiểm tra tín hiệu âm thanh của đàn thì được biết: “Khỏi cần kiểm tra”. Đến lúc này mới vỡ lẽ ra rằng ban nhạc sẽ làm “cascadeur” suốt cả chương trình. Nhìn sang các thành viên khác trong ban nhạc, tôi mới ngỡ ngàng khi thấy họ thậm chí chẳng chút quan tâm cho buổi diễn sắp mở màn, có lẽ vì họ thường xuyên làm chương trình này nên đã quen và xem như bình thường. Sau khi show diễn kết thúc, tôi và các thành viên khác trong ban nhạc cũng nhận được tiền thù lao. Tôi ngẫm nghĩ, đây là số tiền họ trả cho việc thuê nhạc cụ và… “cascadeur”. Thật tình mà nói, chẳng có người nhạc công nào thích đứng làm “màu” cho ca sĩ trên sân khấu như vậy (ngoại trừ những nhạc công còn yếu về chuyên môn nhưng sớm …háo danh). Nhưng thực tế hiện nay, rất hiếm chương trình ca nhạc có sự đầu tư nghiêm túc, có sự tập luyện giữa ca sĩ và ban nhạc?!?
Trước đây, ca sĩ muốn trình diễn bắt buộc phải có ban nhạc đệm hoặc chí ít phải có một nhạc công đệm piano hay guitar. Vai trò của nhạc công lúc bấy giờ rất quan trọng. Thế là các nhạc công “nhà ta” tỏ ra coi thường các ca sĩ, “yêu sách” này nọ với các bầu show. Có trường hợp ban nhạc bỏ về nửa chừng làm hỏng cả một chương trình, hoặc đã có ca sĩ phải khóc ròng vì bị ban nhạc “bán đứng” trên sân khấu. Quan hệ giữa ban nhạc với ca sĩ trở nên rất căng thẳng. Ca sĩ phải “biết điều” với ban nhạc, nếu không thì tông bài hát sẽ được nâng lên hoặc hạ xuống quá thấp so với âm thanh chuẩn của ca sĩ hoặc tốc độ bài hát sẽ rất nhanh hoặc rất chậm so với bình thường. Và khán giả sẽ phải thưởng thức một màn hài kịch mà ca sĩ là người thủ vai chính. Các ca sĩ tỏ ra vui vẻ, niềm nở với ban nhạc mỗi khi lên sân khấu mặc dù trong lòng rất ấm ức.
Nhạc công đang làm “cascadeur” trong một chương trình âm nhạc |
Khi máy MD ra đời, nó trở thành một “ban nhạc” vô cùng ngoan ngoãn và lý tưởng của các ca sĩ bởi không cần phải mất thời gian tập luyện với ban nhạc nữa. Kể từ đó, khi ca sĩ bước lên sân khấu trình diễn, họ cũng chẳng cần biết sau lưng họ là ai. Trong lời chào cuối hoặc cảm ơn khán giả của họ, cũng mất luôn từ “ban nhạc” quen thuộc của ngày nào. Các bầu show khi làm chương trình cũng không quan tâm đến vấn đề ban nhạc. Chỉ cần chọn những người đẹp trai, có nhạc cụ đẹp hoặc những chương trình lớn thì chọn các nhạc công có tên tuổi để quảng cáo. Họ buộc phải “diễn” sao cho giống như đang đánh đàn, đánh trống thật.
… và hậu quả
Hậu quả rõ ràng nhất của việc sử dụng máy MD thay thế ban nhạc là ngày càng hiếm những nhạc công giỏi và yêu nghề. Những người giỏi thật sự thì chỉ có thể “sống” được bằng việc mở phòng thu âm. Cũng xa rồi cái thời mà nhiều bạn trẻ ước mơ có được một cây đàn, chầu chực cả ngày ở nhà các “thầy đàn” để xin thọ giáo với khao khát được trình diễn trên sân khấu. Các nhạc công đang hành nghề thì mất dần ý chí tập luyện, trao dồi nên tay nghề ngày càng xuống cấp. Nhạc công M. bức xúc:
“Tập luyện cả ngày chỉ để tối đến làm “cascadeur” trên tiếng đàn của người khác sao. Thà không làm còn hơn”. Còn nhạc sĩ Lý Được, cây guitar bass nổi danh của làng âm nhạc TP.HCM thì cười buồn: “Đối với một ca sĩ, khả năng hát được với ban nhạc hay người đệm đàn là một kỹ năng bình thường và tối thiểu. Vậy mà hiện nay, có nhiều ca sĩ xem việc hát được với ‘nhạc sống’ là một kỳ tích phi thường. Thật quá đau lòng”.
Rất ít ca sĩ hát được với ban nhạc như thế này |
Trong các chương trình có quay hình, khi camera quay cảnh cận đặc tả tay người đánh đàn mà tiếng đàn đi một nơi còn tay thì đi một nẻo. Có khi bài hát đã bắt đầu mà nhạc công chưa cầm đàn lên, ngược lại đôi lúc đã kết thúc mà nhạc công vẫn còn lả lướt trên phím đàn. Đứng mãi trên sân khấu mà chẳng được chơi một bài nào, nhiều nhạc công cố gắng chơi theo bản nhạc đang được phát cho… đỡ buồn ngủ. Nhiều khi do “quá hứng”, có người đã đánh không trúng bài mà còn đánh to hơn cả tiếng nhạc đang phát trên đĩa làm ca sĩ không tài nào hát được. Khán giả thì được nghe một thứ âm thanh hỗn độn như ở chợ kim khí điện máy.
Cần xử phạt thật nghiêm
Quy chế 47 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định rất rõ, một trong những điều bị nghiêm cấm là dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật, tiếng đàn thật nhưng trên thực tế, chuyện “hát nhép”, “đàn nhép” vẫn là chuyện xảy ra hàng đêm trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, việc có được bằng chứng để xử phạt hành vi này cũng còn là vấn đề khá nan giải. Theo ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM thì: “Để ‘bắt tận tay, day tận trán’ hai hành vi là rất khó vì phương tiện kỹ thuật âm thanh ngày càng hiện đại. Muốn phát hiện được thì thanh tra phải tới tận nơi chỉnh kỹ thuật âm thanh để quan sát nhưng lực lượng thanh tra lại rất mỏng. Ca sĩ “hát nhép”, nhạc công “đàn nhép” ngày càng điêu luyện hơn đến mức khó có thể bị phát hiện. Trong khi đó, thanh tra văn hóa trong cơ quan quản lý nhà nước lại thường không được mời đến tham dự các buổi biểu diễn, mà nếu tự bỏ tiền mua vé đến để giám sát vấn nạn có hay không cũng là cả một vấn đề”.
Theo ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết thì: “Dự thảo lần 7 của Nghị định về hoạt động biểu diễn, vẫn đang tiếp thu ý kiến để hoàn thiện, nhưng chắc chắn là sẽ xử phạt có hiệu lực ban hành vào tháng 8 tới. Thực tế lâu nay mức phạt không đủ tính răn đe, nên có lẽ chúng tôi không chỉ dừng ở phạt tiền mà còn cấm biểu diễn”. Nhiều ca sĩ, nhạc công có tâm với nghề rất tán thành điều này.
Duy Bách - Khôi Nguyên