B-21 Raider có đối thủ ngang hàng

GD&TĐ - Theo Eurasian Times, chiến đấu cơ thế hệ 6 J-36 của Trung Quốc đủ sức chống lại oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider của Không quân Mỹ.

Máy bay thế hệ 6 J-36 của Trung Quốc.
Máy bay thế hệ 6 J-36 của Trung Quốc.

Đối thủ ngang hàng

Ngày 5 tháng 5, Eurasian Times dẫn bài phân tích đăng trên tạp chí quân sự Vũ khí Trên hạm, ấn phẩm do Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) phát hành, trong đó nhận định oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider của Mỹ là mối đe dọa mà tiêm kích thế hệ 5 J-20 không đủ sức đối phó.

"Máy bay thế hệ 6 B-21 đủ khả năng bay hơn 2.000 km từ đảo Guam để thực hiện nhiệm vụ 'duy trì ưu thế trên không' trong vài giờ gần chuỗi đảo thứ nhất, nơi cách lục địa Trung Quốc 800-1.000 km", tạp chí Vũ khí Trên hạm, viết.

"Chuỗi đảo thứ nhất" là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, bằng việc kiểm soát không phận giữa đảo Guam và chuỗi đảo thứ nhất, oanh tạc cơ B-21, mẫu máy bay có biệt danh "sát thủ tàng hình" của Mỹ, có thể khai hỏa tên lửa tầm xa vào nhiều mục tiêu trên đất liền và trên biển ở khu vực, cũng như đảm bảo hành lang an toàn cho các khí tài khác của Mỹ hoạt động.

Đối phó với nguy cơ này, Không quân Trung Quốc cần một mẫu tiêm kích thế hệ 6 được nâng cấp về năng lực tàng hình, tầm bay, hệ thống hàng không, vận tốc siêu hành trình và khoang vũ khí đủ lớn.

Theo nguồn tin này, máy bay thế hệ 6 J-36 được Trung Quốc thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu này. Cấu hình ba động cơ giúp tăng đáng kể tầm hoạt động và vận tốc bay cho J-36, đồng thời cung cấp đủ năng lượng cho hệ thống điện tử đồ sộ trên máy bay.

Thiết kế hai ghế ngồi song song cũng giúp tổ lái có thể điều khiển phi cơ không người lái (UAV) yểm trợ dễ dàng hơn.

Eurasian Times nhận định, nếu J-36 được biên chế vào khoảng năm 2030, quân đội Trung Quốc sẽ có khả năng chặn chiến đấu cơ đối phương xâm nhập chuỗi đảo thứ nhất, cũng như phong tỏa không phận trên đảo Guam trong 1-2 giờ từ khoảng cách 1.000 km.

"Điều này sẽ khiến hải quân và không quân Mỹ khó duy trì ưu thế trên không ở tây Thái Bình Dương hoặc can thiệp quân sự vào các hoạt động của quân đội Trung Quốc ở khu vực chuỗi đảo thứ nhất", tạp chí này kết luận.

Thiết kế của tương lai

Mặc dù không thể đánh giá trang bị bên trong của máy bay thông qua ảnh và video được công bố, nhưng ngoại thất của J-36 hoàn toàn phù hợp với ý tưởng về máy bay chiến đấu trong tương lai.

Điều đầu tiên khi nhìn vào chiếc máy bay này là nó không có bộ phận đuôi. Thiết kế này được gọi là "cánh bay", giúp giảm đáng kể tín hiệu radar của máy bay. Nó cũng được sử dụng trong các dự án thế hệ thứ sáu của Mỹ.

Ngoài ra, còn có một tính năng khiến máy bay thực sự độc đáo - đó là ba động cơ. Sự sắp xếp này không có ở các máy bay chiến đấu hiện đại - thường có hai động cơ, như trong máy bay MiG hoặc Su của Nga, bao gồm cả Su-57, hoặc một động cơ như trong máy bay F-16, F-35 và máy bay Su-75 tiềm năng của Nga.

Theo ấn phẩm War Zone, do J-36 là máy bay lớn (dài hơn 20 mét) và nặng nên cần có động cơ bổ sung để đảm bảo khả năng bay với tốc độ cao trong thời gian dài và tiến hành các hoạt động ở độ cao lớn.

War Zone cho biết thêm, các vòi phun đều được thiết kế phẳng hoặc có hình dạng thay đổi. Điều này sẽ làm giảm khả năng nhìn thấy bằng tia hồng ngoại. Ngoài ra, J-36 còn có hai cửa hút gió dưới cánh, ở hai bên thân máy bay và một cửa hút gió ở trên đỉnh.

Hình ảnh buồng lái vẫn chưa cho phép chúng ta xác định chính xác có bao nhiêu phi công trong đó - một hay hai người. Có vẻ như vũ khí có thể được cất giữ ở các khoang bên trong ở phần dưới của máy bay.

Tạp chí Aviationist cho rằng đây có thể là tên lửa không đối đất tầm xa. Bất kể điều mới mẻ đó là gì thì nó cũng đã khiến đối thủ tiềm tàng phải lo lắng, chuyên trang quân sự Mỹ nhấn mạnh.

"Với J-36, Trung Quốc có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt qua Mỹ trong cuộc đua chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu", CNN cảnh báo.

Tuy nhiên, kênh truyền hình này lưu ý, "có thể mất nhiều năm để máy bay chiến đấu này đi từ ý tưởng đến khi được trưng bày trước công chúng, chứ chưa nói đến việc triển khai chiến đấu".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ