Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 7/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều; trong đó, Điều 1 gồm 8 khoản, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 3 khoản, quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Thời điểm Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Để kịp thời thể chế hóa các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp) đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện;
Đồng thời, quy định điều khoản chuyển tiếp về việc chỉ định các chức danh của HĐND, UBND và Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trong năm 2025; đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Ông Nguyễn Khắc Định cho hay, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 110 có nêu, các đơn vị hành chính của Việt Nam gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cùng với đó là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính sẽ do Quốc hội quy định.

Theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025, thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Căn cứ vào thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.
Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.
Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.