Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông: Cần xem xét nhiều khía cạnh

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt hiện nay đã tương đối cao, nếu tăng tiếp theo đề xuất sẽ không phù hợp với khả năng nộp phạt của người dân.

Cảnh sát giao thông làm việc với người vi phạm.
Cảnh sát giao thông làm việc với người vi phạm.

Tránh nhờn luật

Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 và sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Tại dự thảo luật sửa đổi, Chính phủ đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực gồm: Phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng, chống thiên tai; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng.

Trong đó, Chính phủ đề xuất bổ sung xử lý vi phạm lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền tối đa là 75 triệu đồng. Đề xuất bổ sung xử lý vi phạm lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với mức tiền phạt tối đa là 30 triệu đồng.

Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, mức xử phạt đề xuất tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, mức xử phạt đề xuất tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Đáng chú ý, các lĩnh vực giao thông đường bộ được đề xuất xử lý vi phạm tăng từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng; lĩnh vực đê điều tăng từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng.

Mức phạt tiền 1 tỷ đồng được đề xuất với các lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử…

Theo Chính phủ, việc đề xuất mức xử phạt tăng lên để tăng tính răn đe, phòng ngừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Đồng thời, chủ trương này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách cần tăng cường quản lý nhà nước trong những lĩnh vực nóng, xảy ra nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao là cần thiết.

Mức phạt mới cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý những hành vi vi phạm giao thông có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường luật lệ an toàn giao thông nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông phải lập lại trật tự an toàn giao thông và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, nhằm xây dựng văn hóa giao thông, môi trường văn minh, lành mạnh.

Trong khi đó, các tài xế ô tô kinh doanh vận tải và doanh nghiệp vận tải cũng có nhiều băn khoăn cho rằng, việc tăng mạnh mức phạt khiến một số lái xe mới vào nghề hoặc những người có xe “nhàn rỗi” muốn chạy thêm Grab đang tính toán lại.

“Nhiều người muốn đầu tư cái xe chạy thêm xe công nghệ nhưng chẳng may gặp một lỗi phạt nguội là cũng khó nhọc lắm nên anh em chia sẻ với nhau, khả năng phải bán xe chuyển sang việc khác”, anh Hoàng Đức Tùng - nhân viên lái xe một doanh nghiệp chia sẻ.

Còn nhiều băn khoăn

Chuyên gia Trần Minh Phong đánh giá, dù Nghị định 168 của Chính phủ đã nâng mức xử phạt lên khá cao, song trên thực tế, nhiều hành vi vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến.

Một bộ phận người dân dường như đã mất đi sự tôn trọng đối với pháp luật, thể hiện qua các hành vi như chở hàng cồng kềnh, đi ngược chiều, sử dụng rượu bia khi lái xe… Trước tình hình này, việc tăng mức phạt tối đa là điều cần thiết để tăng tính răn đe và đảm bảo tính nghiêm minh trong xử lý các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận trong xã hội, Chính phủ cần đưa ra những lý do rõ ràng và cơ sở hợp lý cho việc điều chỉnh mức xử phạt. Đồng thời, cần xem xét ban hành các quy định cụ thể ở cấp dưới luật, xác định rõ các hành vi vi phạm nào sẽ bị áp dụng mức phạt tối đa lên đến 150 triệu đồng.

Trong đó, có thể cân nhắc áp dụng mức phạt này cho những hành vi nguy hiểm như tài xế uống rượu bia gây tai nạn (dù có hậu quả nghiêm trọng hay chưa), lái xe ngược chiều trên cao tốc, chở hàng quá tải, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện…

Chia sẻ với báo chí, đại biểu Phạm Văn Hòa (thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, việc có những chế tài xử phạt nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa vi phạm là hoàn toàn cần thiết.

Nhưng việc đề xuất nâng mức phạt tối đa từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng thì cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ. Mức phạt tối đa 150 triệu đồng có lẽ chỉ áp dụng với các hành vi vi phạm của tài xế ô tô. Tuy nhiên, hiện nay không ít tài xế chạy xe dịch vụ chỉ chạy những chiếc xe chỉ 300 - 500 triệu đồng.

“Nhiều người phải đi vay mượn, hoàn cảnh kinh tế cũng không phải quá tốt. Nếu bị phạt tối đa đến mức 150 triệu đồng thì có thể họ phải bán xe, bỏ nghề. Việc này vô hình trung có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, an sinh xã hội.

Do vậy cơ quan chức năng cần có khảo sát thêm, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, nhận được sự đồng thuận của người dân”, đại biểu Phạm Văn Hoà thông tin.

Luật sư Nguyễn Sương - Đoàn Luật sư Đà Nẵng đánh giá, sau khi Nghị định 168 được ban hành thì ý thức người tham gia giao thông được nâng cao. Dù vậy từ lúc ban hành Nghị định 168 đến nay cũng có ý kiến cho rằng thu nhập bình quân của người dân không cao. Mức phạt tăng lên vừa được ban hành giờ lại đề xuất tăng cao gấp đôi có thể gây nhiều phản ứng trái chiều.

Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM đánh giá, đề xuất tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực là cần thiết trong bối cảnh lạm phát hiện nay và nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông của người dân. Tuy nhiên, tăng như thế nào để vừa nâng cao ý thức giao thông của người dân, vừa đảm bảo khả năng chấp hành quyết định xử phạt hành chính là điều mà các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ