Khi người thầy làm đại biểu của dân

GD&TĐ - Tôi bất ngờ với cuộc viếng thăm của một nhà giáo - dân biểu, nhen thêm hi vọng về những đổi thay tích cực cho ngành giáo dục khi còn có những vị đại biểu dân cử thực sự gần dân và lắng nghe dân.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Tôi là một nhà giáo ở một tỉnh miền Trung. Chuyện tôi viết báo hay biên “tút” trên mạng xã hội phê phán những việc làm sai trái, tiêu cực trong môi trường giáo dục cũng đã gần hai mươi năm nay. Nhưng chuyện một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - quan chức hàng tỉnh hẹn “thăm nhà thầy” thực sự gây bất ngờ với một ông giáo làng như tôi.

Tôi bất ngờ không chỉ bởi vị khách đặc biệt này là dân biểu mà còn bởi ông là một lãnh đạo ngành giáo dục – ngành tôi đang công tác. Khi chưa gặp, tôi nghĩ: cỡ như ông ấy, những bài viết của mình thì nhằm nhò gì. Làm gì mà ông ta phải đến nhà để “xoa dịu”? Vì trước đó tôi cũng có một vài bài viết phản ánh việc làm tiêu cực, sai trái về một số đơn vị thuộc quyền quản lý của ông. Ví dụ như bài Phòng giáo dục tổ chức thi khảo sát chất lượng một lúc 13 môn cho HS toàn huyện dưới cái nắng 40 độ; Chuyện một nhà trường miền núi thu khống 500 nghìn/em cho việc xét tốt nghiệp lớp 9… Và thậm chí trong nhiều năm qua, tôi thường không dám nghĩ rằng có chuyện quan chức “vi hành” đến tận nhà dân như vậy. 

Chưa từng quen biết ông lại nói đến “thăm” tôi thì thật là bất ngờ và đáng ngờ. Cuộc nói chuyện tuy không dài nhưng phần nào cho tôi cảm nhận về “tâm” và “tầm” của ông. Với giọng ôn tồn nhưng dứt khoát, ông nói:

Tôi ở trong tỉnh, lúc nào nghe báo cáo của các huyện và phòng đưa lên cũng đều thấy tốt đẹp và màu hồng cả. Vì thế, tôi rất muốn nghe những phản ánh từ cơ sở như những ý kiến của thầy. Tôi muốn giáo viên ở cơ sở phản ánh nhiều hơn nữa về thực trạng nơi mình công tác, có như thế, tôi mới biết được thực chất ở các trường học như thế nào và mới phát huy được tính dân chủ cơ sở.

Hôm nay, ra nhà thầy chơi, trước là cảm ơn những phản biện trung thực và có phần quyết liệt của thầy. Nhờ những ý kiến của thầy mà tôi biết được nhiều hơn những việc làm tiêu cực, sai trái trong ngành. Từ nay trở đi, nếu có vấn đề gì bức xúc, thầy cứ gọi điện cho tôi. Nếu tôi không xử lý được thì thầy cứ viết thoải mái. Có phản biện đa chiều, có dân chủ xã hội thì đất nước mới phát triển được. Tôi cũng muốn cho tỉnh ta, đất nước ta nhanh chóng giàu mạnh chứ!

Và, đề nghị thầy khi viết bài phản biện trên mạng xã hội thì nên điều chỉnh ngôn từ cho mềm mại và dễ nghe hơn một chút. Mình làm nghề giáo rất cần tính chuẩn mực và mô phạm cho các cháu học tập!...

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Vị lãnh đạo ấy nói khá nhiều chuyện nhưng tôi không nhớ hết. Trước một người nhiều hơn tôi gần chục tuổi lại là “sếp bự” nên tôi cũng chỉ nghe rồi vâng vâng thế thôi. Nói thật, không phải tôi sợ gì cả, nhưng từ trước giờ, bao nhiêu năm làm dân, làm thầy nay mới trực tiếp gặp một vị dân biểu là quan chức hàng tỉnh lại ăn nói mạch lạc mà chắc chắn như ông.

Cái Thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT về việc “Ban hành Chương trình phổ thông” dài hơn 1.500 trang mà ông nói như thuộc lòng bàn tay vậy. Tư tưởng nhận thức và cách tiếp cận vấn đề cũng rất cởi mở, cấp tiến. Nghe ông nói chuyện tôi cũng ưng cái bụng!

Trước nay, tôi viết đủ thể loại. Chuyện trong làng, trong xã, trên huyện, trên tỉnh… chủ yếu là phê bình chuyện tiêu cực. Nhưng chẳng bao giờ thấy ông xã trưởng, huyện trưởng nào đến nhà cảm ơn và thông cảm như vậy cả, chỉ toàn thấy các vị gọi điện nhờ (phải) gỡ bài nọ bài kia mà thôi. Cho nên, việc một vị dân biểu đương chức quan hàng tỉnh đến tận nhà dân để tâm sự với dân khiến tôi xúc động và phục lắm.

Tôi thầm cảm ơn ông không phải vì cái vinh dự ông tặng tôi khi ông dám bỏ qua mọi lề thói quan liêu đến thăm tôi mà vì đất nước này, vì xã hội này còn có những vị Đại biểu Quốc hội đến gần dân để lắng nghe dân nói. Giáo làng này nghĩ, đó là cái phúc đức lớn cho ngành giáo dục và cho cả quê hương mình. Ở đất nước này được bao nhiêu vị dân biểu đương chức đương quyền làm được những việc “bình thường” ấy? 

Bấy lâu nay, dư luận thường rất gay gắt, phê phán nặng nề những chuyện tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục. Phải chăng là trong Nghị trường quyền lực nhất ấy còn thiếu vắng những đại biểu của ngành giáo dục tận tâm tận lực với sự nghiệp giáo dục nên chưa phản ánh hết tâm tư nguyện vọng của người học và người dạy. Cho nên chưa có những quyết sách đích đáng để giải quyết tốt công việc “quốc sách hàng đầu” ấy? Tôi hy vọng những vị dân biểu đứng đầu một ngành giáo dục của một tỉnh lớn như ông sẽ đóng góp được phần “thiếu hụt”, góp được tiếng nói cần thiết nhất cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà!

Tôi tự hỏi: Không lẽ, vì vị dân biểu này xuất thân từ nghề giáo nên việc đến với dân cũng dễ dàng và dân dã hơn chăng? 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.