Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà đề xuất, kiến nghị giải bài toán giáo dục

GD&TĐ - Là đại biểu liên tiếp 2 nhiệm kỳ (Khoá XIV, XV), đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) có nhiều trăn trở đối với ngành Giáo dục. Đại biểu đã có những chia sẻ thẳng thắn trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Hai vấn đề quan tâm nhất

* Theo chương trình nghị sự, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, giáo dục và đào tạo sẽ là một trong bốn nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn. Vậy đại biểu quan tâm đến nội dung gì trong nhóm vấn đề này?

"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, dạy – học trực tuyến đã trở thành phương thức chính của nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo. Đây cũng là động lực để ngành Giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng chủ động tiến công vào công cuộc chuyển đổi số".
Đại biểu Phạm Văn Hòa

- Hai vấn đề mà tôi quan tâm nhất hiện nay là: Sự thích ứng của ngành Giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục nói riêng trong triển khai, tổ chức dạy – học trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, vấn đề triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục. Đây là những nội dung mà tôi sẽ dự định chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Kỳ họp thứ 2 này.

* Giáo dục, đào tạo có rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, ông có thể cho biết vì sao lựa chọn 2 nội dung trên để chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT?

- Tôi được biết, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Nội dung sẽ xoay quanh các vấn đề như: Đảm bảo chất lượng dạy – học; tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; công tác dạy – học trực tuyến đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện học tập giữa học sinh các vùng miền.

Ngoài ra còn là vấn đề giảm tải chương trình học cho học sinh; thu hẹp khoảng cách giáo dục ở thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là vấn đề về an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học…

Như vậy, hai nội dung mà tôi dự định chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đều nằm trong các vấn đề nêu trên.

"Tôi nhận được phản ánh của nhiều cử tri về việc giá sách giáo khoa còn cao. Nhiều cơ sở giáo dục vẫn “bán” theo kiểu “combo”: sách giáo khoa kèm sách tham khảo. Đây là vấn đề được phản ánh ở một số kỳ họp Quốc hội khoá XIV, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tại kỳ họp này, tôi muốn nghe Bộ trưởng chia sẻ những giải pháp căn cơ, thấu tình đạt lý để chúng tôi có cơ sở trả lời những vấn đề mà cử tri quan tâm".
Đại biểu Phạm Văn Hòa

Thứ nữa, tôi nhận thấy 2 năm qua, đặc biệt là năm 2021, ngành Giáo dục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức bởi đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, toàn ngành đã chủ động thích ứng, sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy – học trực tuyến, nhằm bảo đảm việc học tập của học sinh không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều địa phương, trường học vẫn còn gặp khó khăn do yếu tố cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị còn thiếu thốn. Cùng với đó, nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên thiếu thiết bị học tập trực tuyến.

Điều này, có thể dẫn đến chất lượng dạy – học không đồng đều hoặc thiếu công bằng trong việc tiếp nhận kiến thức, bài học của học sinh. Do đó, rất cần giải pháp tháo gỡ, để bảo đảm công bằng trong học tập, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở đó, tôi rất muốn nghe ý kiến của người đứng đầu ngành Giáo dục về vấn đề này, với những giải pháp căn cơ, đủ mạnh để bảo đảm chất lượng dạy – học trực tuyến; đồng thời từng bước khắc phục những nhược điểm, những hành vi chưa chuẩn mực của thầy – trò trong quá trình dạy – học mà thời gian qua dư luận đã lên tiếng.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) học trực tuyến.

Đối với Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, tôi hoan nghênh ngành Giáo dục đã chủ động, sốt sắng triển khai thực hiện vào thực tiễn. Trước mắt là với lớp 1, 2, 6.

Dù phải triển khai trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 gây ra và nhiều địa phương phải dạy – học trực tuyến, nhưng đến nay việc dạy – học của thầy – trò đã cơ bản ổn định, đi vào nền nếp; bước đầu tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Những trăn trở...

* Là đại biểu liên tiếp 2 nhiệm kỳ (Khoá XIV, XV), chắc hẳn đại biểu có nhiều trăn trở về giáo dục và đào tạo?

- Một trong những điều tôi quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và việc làm của sinh viên khi ra trường; trong đó có sinh viên sư phạm. Thực tế, chúng ta vẫn còn tình trạng sính bằng cấp nên mới có chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” và tỷ lệ sinh viên ra trường chưa có việc làm vẫn còn cao.

Đào tạo đại học thuộc đào tạo bậc cao, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn chạy theo số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng nên “sản phẩm” đầu ra chưa được như mong muốn.

Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng, nhiều sinh viên đại học ra trường bị thất nghiệp, hoặc phải làm những việc trái ngành, trái nghề. Thực tế, có sinh sư phạm ra trường không xin được việc làm phải đi làm công nhân, hoặc bán hàng online để bảo đảm cuộc sống.

Đó là vấn đề mà tôi trăn trở và trắc ẩn. Làm sao để chất lượng đào tạo ngày càng nâng lên, để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng mà không phải đào tạo lại. Làm sao, để sinh viên ra trường có việc làm; qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu cá nhân mà còn giải quyết bài toán nhân lực cho xã hội và không để lãng phí chất xám.

Giáo sinh Trường ĐH Vinh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Giáo sinh Trường ĐH Vinh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

* Vậy đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết bài toán trên?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên là các cơ sở giáo dục đại học không nên “chạy đua”  theo số lượng và lợi nhuận kinh tế. Cần có cam kết về chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra của sinh viên. Thậm chí, nếu có cam kết về việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là lý tưởng nhất.

Đồng thời, có dự báo thị trường lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, thích ứng với nhu cầu xã hội.

Riêng với khối ngành sư phạm, cần đẩy mạnh đào tạo theo đơn đặt hàng và đào tạo theo nhiệm vụ. Tôi cho rằng, đây là giải pháp căn cơ nhằm giải quyết bài toán sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm. Muốn vậy, phải tạo cơ chế, chính sách để địa phương đặt hàng và đơn vị đào tạo “gặp nhau”, để hai bên có cùng “tiếng nói” chung.

Tuy nhiên, theo tôi giải pháp mang tính tổng thể là: Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các trường đào tạo giáo viên.

* Xin cảm ơn đại biểu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ