Đại biểu Quốc hội: Dạy - học bằng hình thức trực tuyến là giải pháp kịp thời và cần thiết

GD&TĐ - Thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế, xã hội; nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị một số giải pháp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại nghị trường
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại nghị trường

Cần có môi trường để thu hút các nhà khoa học

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu ý kiến: Cần có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giáo dục, nhất là giáo dục đại học và sau đại học với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới.

Đại biểu viện dẫn, vừa qua, trong chuyến tham dự Hội nghị COP26, Thủ tướng đã tiếp xúc với nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới và đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục giữa một tập đoàn của Việt Nam và một trường thuộc Viện Đại học Oxford.

“Chúng tôi đánh giá đây là sự kiện quan trọng, thể hiện vị thế của Việt Nam, tầm nhìn của doanh nghiệp Việt Nam và mở rộng cánh cửa cho các sinh viên Việt Nam được tiếp cận với một trong những môi trường học thuật hàng đầu thế giới” – đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36, Chỉ thị 45.

Mới đây, là Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút để các nhà khoa học tự tin trở về, gắn bó và hết mình cống hiến cho quê hương, cho đất nước.

Viện dẫn thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang còn lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ GD&ĐT đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Dương Tấn Quân
Đại biểu Dương Tấn Quân 

Dạy học trực tuyến kịp thời và cần thiết

Nêu ý kiến về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc dạy - học bằng hình thức trực tuyến là giải pháp kịp thời và cần thiết.

Đại biểu cho biết, vừa qua đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức khảo sát về công tác dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả khảo sát, chúng tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ về chất lượng, hiệu quả dạy - học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học tập trực tuyến; hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp.

Để khắc phục những tồn tại này, đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cân nhắc một số giải pháp:

Thứ nhất, tổ chức rà soát, hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng; bổ sung bài giảng; đồng thời xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với hệ tri thức Việt, số hóa chia sẻ chung cho cả nước.

Thứ hai, phối hợp các bộ, ngành có liên quan để quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính tiết vượt trội cho giáo viên.

Thứ ba, thống nhất quy định phương pháp dạy học trực tuyến, thiết kế bài dạy trực tuyến, lựa chọn và quy định phần mềm từng cấp học trong dạy học trực tuyến. Học liệu phải bám sát chương trình và sách giáo khoa của từng cấp học, kết hợp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Thứ tư, xây dựng hệ thống cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh, hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, đảm bảo chất lượng chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thứ năm, vận dụng chuyển đổi số trong ngành giáo dục đối với đổi mới phương pháp dạy học trong tình hình mới nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học mới.

Thứ sáu, phối hợp Bộ Y tế rà soát, hướng dẫn thống nhất phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo. Sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi trên phạm vi toàn quốc.

Thứ bảy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm công cụ dạy học trực tuyến. Chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số.

Hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, bảo mật an toàn, dễ sử dụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước, truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng các ứng dụng phần mềm phục vụ trong giáo dục đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục, giảm giá dịch vụ thuê máy chủ băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho các học sinh, thầy cô giáo để đảm bảo việc học được hiệu quả, an toàn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để họ không bị bỏ lại sau lưng.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ