Cư dân mỗi thành phố lớn đều có nhiều hình thức giao thông để lựa chọn: Tàu điện ngầm, taxi, ô tô riêng, xe buýt, tàu điện… Tất nhiên mỗi giải pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Trong những năm gần đây, xuất hiện ý tưởng mới về cách thức đơn giản để di chuyển trong thành phố (và không chỉ trong thành phố) mà hầu như không có giới hạn. Những chiếc taxi bay tiếp cận độ cao các tòa nhà cao tầng là giải pháp rất gần với thực tế.
Những cỗ máy cá nhân, có khả năng bay nhanh trong không khí nhờ dòng điện, phải chăng là câu trả lời tích cực đối với sự gia tăng ô nhiễm không khí hay biến đổi khí hậu?
Mẫu taxi bay của Uber |
Phương tiện giao thông đô thị thế hệ mới
Trong những năm gần đây, các chuyến bay trên khoảng cách ngắn trở thành “mốt” trong các nhóm xã hội khác nhau. Không chỉ những tỷ phú, triệu phú hay những ngôi sao showbiz di chuyển theo cách này.
Tuy nhiên đằng sau đó lại là câu chuyện khác: Đó là ảnh hưởng của hàng không đối với biến đổi khí hậu và sự gia tăng ô nhiễm không khí địa phương (đấy là chưa kể đến các phương tiện giao thông trên mặt đất như ô tô hay xe buýt).
Vậy việc đưa taxi bay cho thuê ra thị trường có làm giảm phát thải dioxide carbon, đồng thời làm tăng sự tự do di chuyển của khách hàng giữa nơi đi và nơi đến? Làm thế nào để chế tạo loại phương tiện vừa đáp ứng tất cả các yêu cầu khắt khe, đồng thời bảo đảm được an toàn cho hành khách?
Để chế tạo taxi bay, các kỹ sư đã sử dụng công nghệ được áp dụng trong sản xuất xe đua Công thức 1. Cụ thể, đó là sự kết nối các vật liệu nhẹ có hình dáng đảm bảo khí động học cho toàn bộ kết cấu.
Taxi bay của Công ty Embraer |
Tuy nhiên có 3 vấn đề quan trọng mà các công ty vận chuyển hành khách hàng không phải đối mặt, đó là tiếng ồn, tầm hoạt động của chuyến bay và công suất ắc quy cần thiết để khởi động toàn bộ cấu trúc taxi bay. Vấn đề rắc rối nữa là lực nâng của các động cơ điện – Tập đoàn Airbus rất thận trọng khi sử dụng ắc quy thay cho sự kết hợp thông minh giữa ắc quy và nhiên liệu truyền thống.
Mô hình taxi bay của Uber có thể bay trên độ cao 300 - 600 m với vận tốc 240 - 320 km/h. Căn cứ vào thời lượng sử dụng ắc quy, mỗi taxi bay phải có đủ công suất để bay khoảng 100 km.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 70 nhà sản xuất chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chế tạo taxi bay. Đi tiên phong là Tập đoàn Uber (Mỹ), tiếp đó là Airbus (Pháp), Embraer (Brazil). Ngoài ra còn có các nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ như Karem Aircraft, Corgan, Aurora Flight Sciences hay Bell Hilicopter.
|
Không chỉ dành cho người giàu
Các công việc như dịch vụ khách hàng hay điều hành chuyến bay là những vấn đề tiếp theo mà các công ty sử dụng taxi bay sẽ gặp phải.
Tập đoàn Uber hợp tác chặt chẽ với NASA nhằm phát triển những mô hình mới nhất trong quản lý không gian đô thị và ngoại ô. NASA có thể cung cấp các dữ liệu cho Uber để phân tích hoạt động giao thông đô thị. Nhờ vậy, Uber có thể lập được bản đồ hành trình cho taxi bay, đồng thời giải quyết hợp lý các đơn hàng đến từ hành khách.
|
Vậy trong thực tế, liệu mọi người đều có thể sử dụng dịch vụ taxi bay? Một số chuyên gia cho rằng, sử dụng điện năng cho hoạt động taxi bay có thể làm giảm chi phí cho chuyến bay.
Hiện nay, chi phí dịch vụ máy bay lên thẳng ở Mỹ là khoảng 9 USD cho khoảng cách 1,5 km. Nếu chỉ sử dụng điện năng, chi phí này sẽ giảm xuống còn 5 USD. Như vậy, chênh lệch là khá lớn.
Mỗi chiếc taxi bay có khả năng chở theo 4 hành khách, vì thế chi phí cho một chuyến bay được chia đều và sẽ giảm xuống. Trong tương lai, khi taxi bay được điều khiển bằng hệ thống tự động, sẽ không còn chế độ lương cho phi công, thì chi phí cho chuyến bay còn giảm nữa.