Khi đã sống và sáng tạo hết mình...

GD&TĐ - Ngay từ lần đầu tiên đọc tác phẩm 'Nhóc Maruko' mà bà viết, cháu đã bị cuốn vào câu chuyện của cô bé Maruko tinh nghịch, dễ thương.

Nhiều thế hệ độc giả yêu thích cô bé Maruko tinh nghịch, đáng yêu. Ảnh: Thái Thành.
Nhiều thế hệ độc giả yêu thích cô bé Maruko tinh nghịch, đáng yêu. Ảnh: Thái Thành.

Kính gửi bà Momoko Sakura!

Ngay từ lần đầu tiên đọc tác phẩm “Nhóc Maruko” mà bà viết, cháu đã bị cuốn vào câu chuyện của cô bé Maruko tinh nghịch, dễ thương. Đọc xong liền một mạch 11 tập truyện, cháu liền viết bức thư này để “tâm sự” với bà.

Khác với bạn bè đồng trang lứa, từ bé cháu không hay đọc truyện tranh. Một phần, cháu được ảnh hưởng từ mẹ, một người đam mê những tác phẩm văn học dày đặc chữ. Dĩ nhiên rồi, nhà cháu sẽ chẳng có một cuốn truyện tranh nào cả. Nên là khi biết đọc, cháu chỉ biết đến “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Hoàng tử bé”, “Đảo giấu vàng”, “Hai vạn dặm dưới đáy biển”… mà thôi.

Vào lớp 1, khi được đi học với các bạn, cháu mới bắt đầu biết đến sự tồn tại của thế giới truyện tranh. Nhưng lúc đấy, cháu cũng chỉ biết đến chú mèo ú Doraemon với chiếc túi không gian 4 chiều thần kì, Son Goku và bảy viên ngọc rồng hay sau này là cậu bé người cao su Luffy ước mơ làm hải tặc do bạn thân bà, tác giả Oda Eiichiro sáng tạo ra. Cháu cũng đọc qua những bộ truyện tranh ấy nhưng cũng chỉ là để giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, chứ chưa thực sự say mê với bất kì nhân vật nào.

Mọi thứ thực sự thay đổi khi… vào đại học cháu được “gặp gỡ” cô bé Maruko của bà. Cháu thấy thật buồn cười. Ở một độ tuổi mà người ta thường cho là đã quá “già” để mà đọc truyện tranh, cháu mới tìm thấy cho mình một nhân vật mà bản thân thực sự thấy yêu thích.

Sự gặp gỡ này cũng thật tình cờ bà ạ. Chuyện là, sau một buổi đi làm, mẹ cháu đã mang về nhà tập 1 “Nhóc Maruko”. Đây quả thật là một điều hiếm có vì như bà biết đấy, mẹ cháu chỉ thích truyện “chữ” mà thôi. Việc tự dưng có một cuốn truyện tranh mới tinh nằm trong túi xách mẹ cháu đã gây ra sự tò mò không nhỏ.

Thế là, cháu ngay lập tức thử đọc, cô bé Maruko sẽ kể cho cháu những điều gì nào. Cháu đã bị cuốn hút ngay từ giây phút ấy. Là một người “mù” về truyện tranh, cháu không hề biết rằng, tuổi đời của Maruko thậm chí còn hơn cháu rất nhiều và chính cô bé tinh nghịch, dễ thương này cũng đã mang lại tiếng cười cho nhiều thế hệ độc giả Việt giống như chú mèo máy Doraemon vậy.

khi-da-song-va-sang-tao-het-minh-2-2060.jpg
Tác giả của bộ truyện tranh 'Nhóc Maruko' với bút danh Momoko Sakura. Ảnh: ITN.

Chỉ có điều là, theo lời mẹ cháu kể, hầu hết những cuốn “Nhóc Maruko” từ ngày xưa toàn là sách lậu, chưa mua bản quyền. Buổi đi làm của mẹ cháu, chính là buổi họp báo do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức để chính danh “ra mắt” một lần nữa cô bé với mái tóc hình răng cưa tới người đọc. Cháu đã vô tình biết đến bà cũng như cô nhóc Maruko như thế đấy.

Khi cháu được hòa mình vào những câu chuyện hóm hỉnh, cuốn hút của cô bé Maruko thì bà đã rời xa cõi tạm được 8 năm. Có một điều luôn khiến cho cháu thắc mắc là tại sao khác với những bộ truyện tranh Nhật Bản khác cháu từng đọc qua, mọi thứ về tác giả của “Nhóc Maruko” rất khó để tìm kiếm trên Internet.

So với sức lan tỏa khổng lồ của hình tượng cô bé với mái tóc hình răng cưa đặc trưng thì lượng thông tin về bà quả thật là quá ít. Thậm chí, ngay cả tên thật của bà, mọi người cũng chẳng ai biết nữa là.

Thật ra, cháu chỉ thắc mắc thế thôi chứ cháu cũng thấy thật đồng cảm với bà. Đôi khi, cháu thấy cũng không quá quan tâm việc phải biết tên một người để biết xem họ thật sự là ai.

Tác phẩm “Nhóc Maruko” được lấy cảm hứng từ chính tuổi thơ của bà vậy nên đối với cháu, bà và cô bé trên trang truyện chính là một. Bà gây ấn tượng mạnh với cháu bởi lối kể chuyện cũng như phong cách vẽ tranh thật khác biệt.

Trong khi nhiều tác phẩm truyện tranh khác sở hữu những bức tranh thật trau chuốt, chỉn chu, chi tiết đến mức chả chê vào đâu được thì “Nhóc Maruko” lại được tạo nên từ nhiều nét vẽ giản dị, có phần nguệch ngoạc giống như tác phẩm của một cô bé bảy tuổi.

Chính phong cách vẽ này, bà đã làm cho cháu cười nghiêng cười ngả với những pha “tấu hài” của cô bé. Bà chẳng cần thiết phải vẽ quá chi tiết bởi lẽ, chính trí tưởng tượng của cháu đã hoàn thiện nốt bức tranh theo cách riêng của cháu rồi… Vậy nên, cháu tin rằng, đối với mỗi người, sẽ lại có một phiên bản nhóc Maruko trong tim khác nhau, bà nhỉ.

Trong những tập “Nhóc Maruko” có một phần mà cháu luôn rất mong ngóng đó chính là mục “Những mẩu chuyện ấm áp của Momoko”. Ở đây, cháu có thể gặp nhóc Maruko phiên bản chững chạc hơn, người lớn hơn, thậm chí là cả khi trưởng thành với những câu chuyện thật cảm động.

Chính tại đây, cháu đã nhận ra thật nhiều bài học về cuộc sống, sự đam mê hay chỉ đơn giản là tinh thần không bỏ cuộc mà bà đã truyền tải, gửi gắm trong từng khung tranh. Khi biết rằng bà đã rời xa thế giới tươi đẹp này do phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, cháu lại càng thêm cảm phục.

Nhìn vào nhóc Maruko đang chạy nhảy vui đùa trên trang truyện, cháu cũng có thể chắc chắn rằng, bà đã sống hết mình, dũng cảm và đặc biệt là chạm tới ước mơ của đời mình là trở thành một họa sĩ. Chuyến hành trình của nhóc có thể dừng lại trên trang truyện nhưng chắc hẳn với bất kì ai đã được gặp cô bé, Maruko vẫn luôn tươi tắn, tinh nghịch và truyền cảm hứng tích cực, bà nhỉ.

Thôi thư cũng dài rồi, cháu dừng bút đây. Cháu mong rằng hình tượng cô bé Maruko sẽ ngày càng được lan rộng hơn nữa để mọi người có thể được cười vui mỗi ngày và sống hết mình như “Nhóc Maruko”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.