Khéo co thì ấm

GD&TĐ - Những ngày này, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bắt đầu xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Thông tin về tiền thưởng, lương tháng 13… của các ngành ít nhiều khiến một bộ phận cán bộ, giáo viên tâm tư. Bởi thưởng Tết, đặc biệt là lương tháng 13, từ nhiều năm nay, với giáo viên công lập trên cả nước, mãi là giấc mơ xa.

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước eo hẹp, ngành Giáo dục lại có số lượng giáo viên trên 1,3 triệu người, lo lương tháng 13 cho nhà giáo công lập hiện nay và trong tương lai gần, vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy vậy, để thầy cô và người lao động được động viên tinh thần, Công đoàn ngành Giáo dục, các địa phương, trường học trên cả nước luôn nỗ lực để tính toán, thu vén những phần quà Tết, đặc biệt hướng đến những gia đình nhà giáo còn khó khăn.

Năm nay mở màn sớm nhất cho công tác chăm lo cho giáo viên và người lao động là Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM. Từ tháng 11, đơn vị này đã triển khai kế hoạch tổ chức chăm lo Tết Nguyên đán. Theo đó, Công đoàn ngành Giáo dục giao các trường căn cứ vào nguồn tài chính công đoàn của đơn vị, điều kiện của từng cơ quan, đồng thời xác định người lao động có hoàn cảnh khó khăn để chăm lo cho phù hợp, mức chăm lo là 500.000 đồng/người.

Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Dù chưa có con số cụ thể nhưng dự kiến nhiều địa phương chi hỗ trợ Tết cho công chức, viên chức nói chung, trong đó có giáo viên.

Cùng với sự vào cuộc của công đoàn, địa phương, nhiều đơn vị, trường học đã vận dụng Nghị định 16/2015/NĐ-CP, tiết kiệm được ngân sách hoặc có thêm tiền dịch vụ trong nhà trường; tính toán chi tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên, người lao động.

Ở những trường hiệu trưởng và kế toán biết tiết kiệm, đặc biệt là đơn vị tự chủ, nơi có điều kiện, mức chăm lo hỗ trợ cho giáo viên khá “tươi”, có trường ở TPHCM dự kiến chi thu nhập tăng thêm lên tới chục triệu đồng. Chi thu nhập tăng thêm 1 - 3 triệu đồng/người cũng là mức trong khả năng tính toán của không ít trường học tại các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh nhiều đơn vị chăm lo Tết cho giáo viên tốt nhờ nguồn chi tăng thêm, hiện vẫn có nơi chưa dự kiến được kinh phí hỗ trợ Tết, nếu có chỉ ở mức tượng trưng, nhất là các vùng khó. Lý do là dù chính sách chi thu nhập tăng thêm đã có, nhưng không phải trường học nào cũng có thể thực hiện hiệu quả. Bởi một trong những vấn đề mấu chốt để có thu nhập tăng thêm là điều kiện làm dịch vụ, có chủ trương, hướng dẫn cụ thể của địa phương, chủ động của hiệu trưởng và kế toán nhà trường trong việc tiết kiệm chi tiêu, cân đối tài chính.

Đặc biệt, bên cạnh sự quản lý, cân đối chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, không thường xuyên của hiệu trưởng, cần tăng cường giám sát của ban thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong trường học để bảo đảm tiết kiệm chi.

Tình hình kinh tế - xã hội còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ hậu quả của đại dịch Covid-19. Lạm phát và bất ổn về chính trị, kinh tế thế giới dẫn đến một số doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, rất nhiều người lao động phải ngừng và nghỉ luân phiên, thậm chí mất việc.

Trong bối cảnh đó, nỗ lực của Công đoàn ngành, nhà trường, địa phương chăm lo Tết (dù chỉ là tượng trưng) cho nhà giáo có ý nghĩa động viên rất lớn. “Dù phần hỗ trợ Tết ngó lên không bằng ai nhưng đó là món quà chắt chiu biết bao tình cảm, lo toan của trường, địa phương mình cho mỗi thầy cô. So sánh ít nhiều cũng khập khiễng, biết khéo co thì ấm”, cô Ngọc Bích, giáo viên huyện Tân Phú (Đồng Nai) tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.