Vật liệu tự nhiên thay thế túi nilon
Tại Việt Nam cây chuối được trồng rất nhiều và có mặt tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Các thân cây chuối sau khi thu hoạch quả đều chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc bỏ đi gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy ép định hình và xây dựng quy trình sản xuất túi, khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối, bẹ cau”.
Đề tài do TS Bùi Thị Thủy làm chủ nhiệm thuộc chương trình “Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế TP Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025”. Hải Phòng là địa phương có diện tích trồng chuối lớn với hơn 2.600 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thủy Nguyên.
Đề tài trên nhằm giải bài toán ô nhiễm môi trường của túi nilon và tận dụng phế phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị. Mục tiêu của đề tài là xây dựng quy trình tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối; thiết kế, chế tạo máy ép định hình; tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối và bẹ cau.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy trình tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau khi lưu trữ 3 ngày, kích thước sợi chuối giảm đi không đáng kể so với ngay sau khi chặt hạ (khoảng 2 - 5%), nhưng độ bền kéo của sợi lại tăng gấp nhiều lần.
Do vậy, để phù hợp với quy mô sản xuất, có thể thu mua thân chuối ngay sau khi chặt hạ hoặc lưu trữ không quá 3 ngày và bảo quản sợi chuối bằng nước vôi ở nồng độ 0,5% để chống nấm mốc, sau đó se sợi với đường kính 1 - 1,5 mm để đan túi đựng thực phẩm sử dụng 1 lần.
Khay và đĩa từ bẹ chuối, bẹ cau
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm đan 3 loại túi: Túi se sợi bằng máy đường kính 1 mm và bện tạo túi bằng tay, mắt lưới 3 cm; túi se sợi bằng máy đường kính 1 mm và bện tạo túi bằng tay, mắt lưới 5 cm; túi se sợi đường kính 1 mm bằng tay và bện bằng tay, mắt lưới 3 cm.
Kết quả cho thấy, cả 3 loại này đều có độ bền lớn, đạt 87 - 90 N/mm2 đáp ứng được yêu cầu túi đựng thực phẩm 0,5 - 1 kg. Túi sau khi bện mắt cáo có độ ẩm dưới 12%, khối lượng nhẹ (7,1 - 13,9 g) nên lưu trữ, vận chuyển dễ dàng và thuận tiện.
Quy trình tạo túi gồm các bước: Tách sợi chuối trên máy tách sợi; rửa sợi chuối và nhúng sợi bằng nước vôi; sấy/phơi sợi chuối đạt độ ẩm 10 - 12%; se sợi chuối trên máy se sợi và tạo sợi với đường kính 0,7 mm, bện sợi túi dạng mắt cáo và bọc nilon túi để lưu trữ.
Đối với tạo khay đựng từ bẹ chuối, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm 2 chất kết dính là CA-SU, VL-611. Kết quả cho thấy, khay sử dụng chất kết dính VL-611 có độ cứng cao hơn và quá trình sản xuất sử dụng ít năng lượng hơn so với CA-SU.
Quy trình tạo khay bao gồm các bước: Bóc bẹ chuối, phơi/sấy đến độ ẩm 10 - 12%, làm phẳng bề mặt sợi, cắt thành tấm theo kích thước, quét chất kết dính VL-611 140 g/m2 bề mặt; đặt 2 lớp bẹ chuối lên nhau theo hướng vuông góc; sau đó ép bẹ chuối bằng máy ép định hình trong 5 phút ở nhiệt độ ép 120 độ C, áp suất ép 1,38 Mpa; chiếu UV khử trùng và đóng gói.
Khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối không sử dụng hóa chất xử lý nên an toàn khi đựng thực phẩm trực tiếp như trái cây gọt sẵn, bánh kẹo…
Tương tự như với khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất khay đựng thực phẩm từ bẹ cau. Quy trình gồm thu thập bẹ cau (lựa chọn bẹ cau được thu hoạch trong vòng 3 ngày), sau đó rửa, phơi khô đạt độ ẩm 10 - 15%, tiến hành ép nhúng bẹ cau vào nước (1 phút); sau khi bẹ cau ráo nước, tiến hành ép bằng máy ép định hình ở áp suất 1,38 Mpa, nhiệt độ 120 độ C và chiếu UV để khử trùng.
Đối với máy ép định hình tạo sản phẩm khay đựng, nhóm nghiên cứu đã chế tạo máy theo nguyên lý thủy lực, công suất 3 Kw/380V, máy được ép bằng nhiệt và tùy chỉnh theo chế độ cài đặt; năng suất đối với khay từ bẹ chuối đạt 12 - 15 khay/giờ, khay từ bẹ cau đạt 40 - 50 khay/giờ.
Máy ép do nhóm nghiên cứu sản xuất đã được Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp cấp “Giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật máy, thiết bị”, đạt tiêu chuẩn đưa vào sản xuất.
Sản phẩm túi từ sợi chuối, khay từ bẹ chuối, khay từ bẹ cau mang lại giá trị cao hơn so việc đốt bỏ hoặc ủ làm phân bón: Góp phần đa dạng hóa sản phẩm bao bì, tăng giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân.