Nuôi ruồi lính đen bằng phế phẩm nông nghiệp

GD&TĐ - Ruồi lính đen là loại côn trùng an toàn, không mang các tác nhân gây bệnh như ruồi nhà, rất hữu ích cho chăn nuôi công nghiệp.

Ruồi lính đen là nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng.
Ruồi lính đen là nguồn thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng.

Tận dụng rác thải để nuôi ruồi

GS.TS Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học công nghệ, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, ruồi lính đen là loại côn trùng an toàn, rất hữu ích cho chăn nuôi công nghiệp.

Ruồi lính đen có vòng đời khoảng 45 ngày, từ trứng phát triển thành ấu trùng, rồi từ ấu trùng phát thiển thành nhộng, từ nhộng phát triển thành côn trùng và sinh sản.

Ấu trùng ruồi lính đen sinh trưởng rất nhanh và thức ăn của chúng khá đa dạng như các loại thức ăn thừa; rác thải thực phẩm như vỏ trái cây, vỏ rau củ; phụ phẩm nông nghiệp: Xác bia, xác bã đậu nành… Trước giai đoạn hóa nhộng, ấu trùng ruồi lính đen rất giàu dinh dưỡng như: Protein, chất béo, canxi, phốt pho nên rất tốt để làm thức ăn chăn nuôi.

GS.TS Dương Nguyên Khang cho biết, các nhà khoa học của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã hoàn thiện quy trình nuôi ruồi lính đen tận dụng rác thải nông nghiệp.

Mô hình nuôi ruồi lính đen từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ này có thể áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Mô hình này giúp nông dân phát triển kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng và còn giúp bảo vệ môi trường. Quá trình nuôi ruồi lính đen góp phàn phân hủy rác thải hữu cơ và hoàn toàn không tạo mùi khó chịu ra môi trường xung quanh.

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cũng vừa phối hợp huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mô hình nuôi ruồi lính đen (Hermetia Illucens) cho người dân tại 2 xã Bình Nhì và Vĩnh Hựu.

Sau khi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM hỗ trợ 50 người dân của 2 xã trên mỗi người 8 gram ấu trùng, 3 khay nhựa và hơn 3 kg xác bia, xác bã đậu nành để làm thức ăn cho ruồi lính đen.

Sau khi nuôi khoảng 20 ngày sẽ được ấu trùng ruồi lính đen trưởng thành, dùng làm thức ăn trong chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm như: Cá, lợn, chim yến, gà, vịt…

Thay thế thức ăn chăn nuôi công nghiệp

Ruồi lính đen là loài vật có khá nhiều công dụng và ứng dụng trong thực tế. Tại Việt Nam, bột ruồi lính đen được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn công nghiệp nuôi trồng thủy sản; ấu trùng tươi ruồi lính đen được sử dụng trực tiếp để nuôi cá, gà, vịt, lươn. Trong khi đó, phân ruồi lính đen thì được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông nghiệp.

Theo nhóm nghiên cứu, có 5 yếu tố cần quan tâm để tối ưu hóa được quy trình thủy phân nhộng ruồi lính đen, đó là tỷ lệ cơ chất, nồng độ enzyme, nhiệt độ, pH và thời gian.

Để biết được quy trình đó có tối ưu hay không, các chỉ tiêu cần phải xác định gồm hàm lượng protein, nitơ formol, nitơ ammoniac, nitơ acid amin và lipid. Từ đó sẽ tính được hiệu suất thủy phân và hiệu suất thu hồi protein.

Hiện nay, giá bột cá và đậu tương - nguồn nguyên liệu thức ăn chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản - liên tục tăng. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý ấu trùng ruồi lính đen thành nguồn nguyên liệu thay thế bột cá được xem là một giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản.

Không những vậy, phần bã thu được sau khi thủy phân ấu trùng ruồi lính đen còn có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ chất lượng cao, góp phần bảo vệ môi trường.

Nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn protein sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, thay cho đạm cá vì đây là nguyên liệu có giá thành cao hơn. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha. Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loài côn trùng này.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết, mô hình nuôi ruồi lính đen nói trên là một trong những sự chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ của trường nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng nhận được đơn đặt hàng của nhiều địa phương, đối tác, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.