Tận dụng phế phẩm nông nghiệp trồng nấm vân chi đỏ

GD&TĐ - Từ lõi ngô và vỏ trấu, TS Trần Đức Tường đã sử dụng để làm giá thể trồng nấm vân chi đỏ, cho năng suất và chất lượng cao...

Nấm vân chi đỏ được trồng từ lõi ngô và vỏ trấu của nhóm nghiên cứu.
Nấm vân chi đỏ được trồng từ lõi ngô và vỏ trấu của nhóm nghiên cứu.

Làm giá thể từ lõi ngô và vỏ trấu

TS Trần Đức Tường, giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp và các cộng sự đã hoàn thiện nghiên cứu thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để canh tác nấm vân chi đỏ.

Theo nhóm nghiên cứu, trước đây người trồng nấm thường sử dụng mùn cây cao su nhưng thử nghiệm nghiên cứu cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của nguyên liệu lõi ngô cao hơn, năng suất cao hơn.

Theo TS Trần Đức Tường, Đồng Tháp có diện tích trồng ngô (bắp) khá lớn (khoảng 4,3 nghìn ha), đạt sản lượng 35,5 nghìn tấn với năng suất 82,6 tạ/ha, tỷ lệ hạt/trái trung bình đạt 75 - 80%.

Diện tích đất trồng lúa rất lớn khoảng 520,4 nghìn ha, đạt sản lượng 3.327,5 nghìn tấn với năng suất 63,9 tạ/ha. Do vậy, lượng phế phẩm trong nông nghiệp phát thải ra môi trường hàng năm rất lớn.

Các nguồn phế phẩm nông nghiệp như lõi ngô, vỏ trấu... chứa hàm lượng hemicellulose, cellulose, lignin khá cao, lại rất dễ thu gom, giá thành thấp, trữ lượng dồi dào, rất thích hợp để trồng các loại nấm dược liệu, trong đó có nấm vân chi đỏ.

Đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao, tương đối dễ trồng, thích hợp với khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả cao. Nấm vân chi đỏ (Pycnoporus sanguineus) thuộc 25 loài nấm dược liệu chính có giá trị dược tính cao, nấm giàu các hợp chất thiên nhiên có ích cho sức khỏe.

Theo TS Tường, trồng nấm vân chi đỏ không quá phức tạp nhưng nếu không nắm rõ quy trình kỹ thuật thì khó thành công. Bởi vậy, trong sản xuất luôn phải tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm, các tiêu chí về nhiệt độ, ánh sáng.

Thực nghiệm xác định được cơ chất trồng có tỷ lệ phối trộn gồm 60% lõi ngô và 40% vỏ trấu thích hợp nhất cho hệ sợi nấm phát triển tốt, lan kín bịch phôi nhanh nhất và thời điểm cho thu hoạch nấm đến sớm nhất.

Theo đó, năng suất nấm thu hoạch đạt cao nhất 79g/bịch phôi tương ứng với hiệu suất sinh học đạt 20,52% đáp ứng mục tiêu nghiên cứu. Dựa trên các thông số phù hợp nhất từ thực nghiệm, quy trình công nghệ sản xuất bịch phôi giống và trồng nấm vân chi đỏ được thiết kế đạt hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng. Thời gian cho một vụ sản xuất từ khâu làm giống đến nuôi trồng sản xuất quả thể nấm sấy khô trung bình từ 5 - 7 tháng tùy vào thời tiết.

Sản phẩm nấm sạch, an toàn

Theo TS Trần Đức Tường, toàn bộ quá trình đóng bịch, khử trùng, cấy giống, ươm sợi trồng đến khi thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản. Đồng thời tưới bằng nguồn nước sạch nên nông sản loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung cấp ra thị trường luôn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thử nghiệm mô hình sản xuất thử nghiệm (2.000 phôi) ứng dụng quy trình công nghệ từ kết quả nghiên cứu đạt được hiệu quả cao, hiệu suất sinh học 20,71% vượt trội so với trồng trên mùn cưa cao su (16,62%).

Nhóm nghiên cứu đã thiết kế quy trình công nghệ sản xuất với kỹ thuật đơn giản dễ thực hiện, khả thi, có thể triển khai ứng dụng phù hợp với trình độ kỹ thuật và điều kiện tại địa phương.

Nấm vân chi đỏ có giá trị dược tính và giá trị kinh tế cao, thành phẩm sấy khô hiện có giá khoảng hơn 2 triệu đồng/kg, song chi phí đầu tư cho sản xuất không cao, có thể sản xuất quanh năm từ nguồn nguyên liệu luôn sẵn có và dồi dào.

Theo TS Trần Đức Tường, một số công bố quốc tế và thực nghiệm đã minh chứng nấm vân chi đỏ giàu các hợp chất thiên nhiên có lợi cho sức khỏe. Nấm có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol, ổn định glucose huyết, kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng ung thư, thanh lọc cơ thể, bảo vệ gan, chống huyết khối...

Hiện, sản phẩm đang được trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tại các kênh: Gian hàng thanh niên khởi nghiệp của Trường Đại học Đồng Tháp, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh)...

Đồng thời hoàn thiện quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa mô hình sản xuất kinh doanh và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu sản xuất, thương mại hóa loại nấm dược liệu này.

TS Trần Đức Tường hiện là giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Đồng Tháp. Ông tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Sinh học, sau đó tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Cần Thơ.

Ông đã công bố 21 công trình khoa học, chủ nhiệm và tham gia gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở; xuất bản 5 giáo trình và bài giảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.

Trường nội trú cho trẻ mới biết đi

GD&TĐ - Ở Lesotho, quốc gia miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân.

Ảnh: Quốc Bình

Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.