Từ khoai lang bị vứt bỏ, nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (TPHCM) tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác tạo ra nhựa sinh học.
Dự án “Bioplastic - Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” đã giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.
Vận dụng hiệu quả học và hành
Vũ Thị Hồng Minh, học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, một trong năm thành viên của nhóm Dự án “Bioplastic - Sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê” chia sẻ, bộ trò chơi cờ vua, cờ tướng, chậu cây handmade (làm thủ công) để bàn được làm từ nhựa sinh học là thành quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài.
Theo đó, từ khoai lang bị vứt bỏ, nhóm học sinh này đã tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, luôn khao khát khởi nghiệp, các thành viên trong nhóm đã biến phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng vứt đi thành sản phẩm có giá trị.
Em Nguyễn Hoàng Linh Đan, thành viên khác của nhóm cho hay, nhóm đã tiến hành thu mua khoai lang với giá thành thấp ở các khu chợ đầu mối, thu mua bã mía từ các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất đường, thu mua bã cà phê tại các chuỗi quán cà phê.
Các nguồn nguyên liệu luôn được đảm bảo về số lượng một cách lâu dài với một chi phí rẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất mà nhóm đối mặt đầu tiên có thể kể đến là vấn đề thời gian.
Bởi các thành viên trong nhóm đều phải đến lớp học tập mỗi ngày, ngoài ra còn tham gia các hoạt động ngoài giờ học do nhà trường tổ chức. Quá trình tìm được nguồn nguyên liệu phù hợp cũng khá vất vả.
“Nhóm vừa nghiên cứu công thức, vừa phải kiếm nguồn nguyên liệu lâu dài. May mắn, nhờ sợ trợ giúp của các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Văn Giàu, tụi em đã liên hệ và tìm được nơi cung cấp khoai lang, bã mía, bã cà phê đúng như mong muốn của nhóm.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã nhận được sự cố vấn của PGS.TS Hồ Quốc Bằng (Viện trưởng, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM) và thạc sĩ Nguyễn Ngọc Như Uyên (Viện Môi trường và tài nguyên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy Lê Văn Nam, giáo viên dạy Hóa của Trường THPT Trần Văn Giàu”, Linh Đan cho hay.
Chia sẻ về dự án của học trò, thầy Lê Văn Nam cho hay, trong quá trình thực hiện các em đã vận dụng được kiến thức môn Hoá học vào thực tiễn cuộc sống. Để có thể tạo ra được những bộ sản phẩm như bây giờ, cả thầy và trò phải dành ra khoảng 5 tháng để nghiên cứu. Công việc này đòi hỏi các em không những phải có những kiến thức nền tảng về hoá học, mà còn phải biết vận dụng linh hoạt nó vào thực tiễn.
“Là một giáo viên dạy môn Hoá, đồng thời cũng là giáo viên hướng dẫn, trong suốt quá trình giảng dạy tôi luôn mong muốn có thể lồng ghép những kiến thức thực tiễn, có thể ứng dụng trong cuộc sống vào những bài học trên lớp.
Việc tham gia dự án sẽ rèn luyện cho các em những kĩ năng khác như thuyết trình, viết báo cáo... Tôi nghĩ đây vừa là kiến thức, vừa là những kĩ năng quan trọng cho sự phát triển của các em sau này”, thầy Lê Văn Nam chia sẻ.
Bộ trò chơi cờ vua, cờ tướng, chậu cây handmade để bàn được làm từ nhựa sinh học do nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu nghiên cứu. Ảnh: HP |
Sản phẩm thân thiện với môi trường
Theo tìm hiểu của nhóm dự án, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác nhựa thải ra biển của thế giới. Với mong muốn giảm tải lượng nhựa thải ra môi trường, góp phần vào lối sống “không rác thải” cùng đồng hành vì môi trường xanh, nhóm học sinh đã thực hiện Dự án “Bioplastic - Sản xuất các vật dụng từ nhựa sinh học từ khoai lang, bã mía, bã cà phê”.
Nhận được sự gợi ý và hướng dẫn của thầy Nam, nhóm đã quyết định chế tạo các sản phẩm bằng nhựa sinh học. Dự án ra đời với mục đích ban đầu là tạo ra một sản phẩm bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm tình cờ biết đến cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức nên đã quyết định tham gia. Mỗi thành viên đều mong muốn dự án sẽ được nhiều người biết đến hơn và có thể tạo tác động tích cực đến suy nghĩ, hành vi của mọi người về các vấn đề môi trường.
“Dự án đạt giải Nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp thành phố là niềm vui, niềm tự hào và là động lực cho tụi em hoàn thiện sản phẩm mỗi ngày. Giải thưởng là thành quả cho cả một quá trình cố gắng không ngừng của tất cả các thành viên trong nhóm.
Tụi em hi vọng sản phẩm không chỉ mang lại lợi ích trong kinh doanh mà còn tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong tương lai, nhóm tiến hành tạo ra các sản phẩm nhựa sinh học khác như: Bàn cờ, hộp, khay, các vật dụng gia đình thiết yếu, hướng tới phân khúc khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, thay thế các vật dụng bằng nhựa truyền thống”, Nguyễn Thị Hoài Ni cho biết.
Vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023” do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức thu hút 152 dự án tham gia. Đặc biệt, ngoài đội thi giành giải Nhất, Trường THPT Trần Văn Giàu còn giành thêm giải Nhì với Dự án “Toxic Productivity - Cùng học sinh THPT vượt qua năng suất độc hại bằng sổ tay học tập kết hợp thử thách giới hạn bản thân”.