Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Đề thi luôn là khâu trọng yếu trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trách nhiệm đối với khâu khó khăn nhất này thuộc về Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi.

Theo quy định mới nhất, Chủ tịch Hội đồng đề là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng hoặc lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT. Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng.

Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành Giáo dục hoặc viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi. Ngoài ra, Hội đồng ra đề thi còn có lực lượng công an do Bộ Công an điều động; bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ do Bộ GD&ĐT điều động.

Liên tiếp 2 năm, Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh liên quan đến thành phần Hội đồng ra đề thi. Theo đó, năm 2023, Bộ GD&ĐT bổ sung “giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục” đối với người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi. Năm 2024, thành phần Phó Chủ tịch Hội đồng được bổ sung thêm “lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT”.

Việc thêm thành phần đến từ cơ sở giáo dục đại học, sở GD&ĐT được đại diện Bộ GD&ĐT chia sẻ nhằm hướng tới nâng cao chất lượng, đặc biệt là độ phân hóa của đề thi. Chất lượng đề thi cao, tính phân hóa tốt thì càng đáp ứng được các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Việc thêm những thành phần nêu trên cũng giúp đáp ứng tốt hơn yêu cầu đối với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, cùng với bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình GDPT 2006, đề thi còn có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao; có những câu nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực trong Chương trình GDPT 2018.

Năm 2025, kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, đề thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi; cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi từ hoàn toàn “đóng” chuyển sang “có tính mở” và phát huy trí tuệ toàn ngành. Người đóng góp cho đề thi tốt nghiệp THPT sẽ nhiều lên, nhưng chắc chắn mục tiêu nâng cao chất lượng đề thi là không đổi.

Nỗ lực của Bộ GD&ĐT, đồng thời là mong mỏi của các cơ sở giáo dục đại học và người học, đó là kết quả thi đáp ứng mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; ngày càng trở thành căn cứ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh. Từ đó, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm công bằng hơn trong xét tuyển đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ