Cần thay đổi từ cách ra đề thi đến nhận thức mục tiêu giáo dục

GD&TĐ - Để xóa bỏ áp lực, cần thay đổi từ cách ra đề đến tư duy, nhận thức mục tiêu giáo dục của nhà trường, phụ huynh.

Giáo viên Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) sử dụng phần mềm Plickers trong bài trắc nghiệm để đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Bình
Giáo viên Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) sử dụng phần mềm Plickers trong bài trắc nghiệm để đổi mới cách kiểm tra đánh giá. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Bình

Cần đổi mới cách ra đề

Gần 12 giờ đêm, bàn học của Nguyễn Dương Gia Hiếu – học sinh lớp 6 Trường THCS Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn sáng đèn. Em miệt mài ôn tập chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối học kỳ I sáng 26/12. Chị Dương Ngọc Anh (mẹ Gia Hiếu) chia sẻ, hơn một tuần nay, vợ chồng chị thay phiên nhau thức cùng con ôn tập. “Chúng tôi muốn đồng hành, khích lệ tinh thần học tập cho con. Hy vọng, kết quả kiểm tra như mong muốn để đạt mục tiêu là học sinh giỏi”, Chị Ngọc Anh phân trần.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), học sinh bị áp lực trong đợt kiểm tra, có nguyên nhân từ việc phụ huynh coi trọng điểm số, đặt nhiều kỳ vọng, thậm chí quá sức con. Từ đó, không ngừng thúc giục và đặt cho con mục tiêu điểm 9, 10.

“Để thay đổi và xóa bỏ áp lực này, việc đầu tiên là giáo viên, cơ sở giáo dục cần đổi mới cách ra đề kiểm tra theo hướng nhẹ nhàng, không chạy theo thành tích. Kiểm tra cuối kỳ nên chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Đề thi cần bám sát với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 và các thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, TS Nguyễn Văn Hòa gợi mở.

Từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình GDPT 2018, cô Bùi Thị Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Nổ (TP Huế, Thừa Thiên Huế) cho rằng, đề kiểm tra cuối kỳ có đặc trưng riêng so với bài tập ôn luyện, phiếu bài tập và các tài liệu bổ trợ khác. Trước hết, việc ra đề dựa trên những tiêu chí khoa học về mục tiêu kiểm tra, đánh giá các kiến thức và kỹ năng, gắn với Chương trình GDPT theo môn học, khối lớp.

Cô Giang viện dẫn, chẳng hạn, đề kiểm tra cuối kỳ môn Tiếng Việt 2 cần bám sát yêu cầu: Rèn kỹ năng đọc, viết, nói và nghe ở các bộ sách giáo khoa mà giáo viên đã vận dụng để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Văn bản đọc được xem là điểm tựa, từ đó các câu hỏi đọc hiểu được đề xuất nhằm đánh giá đầy đủ nhất trên phương diện: Đọc hiểu nội dung, hình thức, liên hệ, so sánh, kết nối.

Giáo viên huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) trải nghiệm phương pháp dạy học tích cực. Ảnh: Hồng Duy

Giáo viên huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) trải nghiệm phương pháp dạy học tích cực. Ảnh: Hồng Duy

Đề kiểm tra cần gắn với thực hành

Theo kinh nghiệm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Nổ, các câu hỏi, bài tập trong đề kiểm tra cuối học kỳ cần đảm bảo tính hệ thống, kết nối và phát triển. Trong phần kỹ thuật viết, có thể bổ sung bài tập chính tả âm vần nếu cần thiết. Đối với phần viết đoạn văn ngắn, do mỗi bộ sách giáo khoa có sự phân bố khác nhau về kiểu bài, chủ đề - đề tài nên đề kiểm tra cần đảm bảo gắn với yêu cầu thực hành học sinh đã trải nghiệm.

“Bên cạnh đa dạng, hấp dẫn, cần lưu ý tính ổn định của các dạng bài tập, câu hỏi trong đề kiểm tra. Tránh thiết kế các bài tập có hình thức quá mới lạ khiến học sinh bỡ ngỡ do chưa thuần thục về kỹ năng”, cô Giang nhấn mạnh và cho biết, chủ trương kiểm tra cuối kỳ I của nhà trường nhẹ nhàng, nhằm không gây áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Tại Hội nghị tập huấn ra đề kiểm tra định kỳ các môn học, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp nhìn nhận, vẫn có đơn vị, giáo viên lúng túng trong chọn nội dung, phân biệt mức độ kiểm tra, quy trình ra đề… làm ảnh hưởng đến việc đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.

Ông Nguyễn Minh Tâm đề nghị, các phòng GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm tra đánh giá học sinh, nhất là kiểm tra định kỳ; kịp thời thông tin, giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác kiểm tra, đánh giá.

Mục tiêu giáo dục, trước hết phải vì sự tiến bộ và phát triển của mỗi đứa trẻ chứ không phải điểm số và thành tích. Nêu lên một số hệ quả khó lường của việc chú trọng thành tích và chỉ chú tâm cung cấp kiến thức, TS Nguyễn Văn Hòa viện dẫn, việc ép học lấy điểm số, thành tích sẽ làm cho trẻ mất tính độc lập, sự tự tin, sáng tạo. Vô hình trung gieo vào đầu các em nỗi sợ đi học. Cách giáo dục này chỉ thích hợp với mục tiêu đào tạo người thừa hành.

Việc chú trọng vào cung cấp kiến thức sẽ tạo ra lớp học sinh có “một bồ kiến thức”, ngoan ngoãn, vâng lời nhưng thiếu năng lực sáng tạo, khát vọng lập nghiệp. “Hãy hình dung xã hội sẽ ra sao khi đào tạo ra toàn người chỉ biết trông chờ, chỉ đâu đánh đấy. Sự khác biệt của những đứa trẻ nếu không bị ruồng rẫy, trái lại được thầy, cô, gia đình chăm lo, uốn nắn có thể sẽ là hạt giống thành công và hạnh phúc”, TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa, học sinh cần học những giá trị và kỹ năng khác nhau của cuộc đời để sau này trở thành người lao động có học, làm việc chăm chỉ, biết sống và sống như một con người thực sự - biết trân trọng hạnh phúc dù nhỏ bé mà cuộc đời trao cho, bằng chính sức lao động của mình…

Cô Nguyễn Thị Tuyết Anh - Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế, Thừa Thiên Huế) chia sẻ, việc đầu tiên giáo viên cần thay đổi tư duy, nhận thức; tiếp đến chủ động, tích cực bồi dưỡng năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Mặt khác, giáo viên phải tăng cường phối hợp phụ huynh trong tổ chức giáo dục, dạy học, nhất là giai đoạn kiểm tra cuối học kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ