Khảo sát môn Ngữ văn tại Hà Nội: Đề vừa sức và quen thuộc

GD&TĐ - Đề khải sát môn Ngữ văn năm nay được nhiều học sinh và giáo viên đánh giá là vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, phù hợp với khả năng của thí sinh.

Hai em Duy Mạnh và Thục Anh - học sinh Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Hai em Duy Mạnh và Thục Anh - học sinh Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Sáng 5/4, hơn 100.000 thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm bài thi khảo sát chất lượng môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2024.

Em Duy Mạnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) chia sẻ, đề thi Ngữ văn năm nay bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT mà các em đã được ôn tập trước đó. Đề thi có mức độ cơ bản, với một số câu hỏi khó để phân hóa học sinh nhưng không chiếm nhiều điểm. Nhờ vậy, nhiều em đã hoàn thành bài thi khá tốt và tự tin đạt được điểm 8 trở lên.

Cùng chung nhận định trên, em Thục Anh - học sinh lớp 12, Trường THPT Chu Văn An đánh giá, đề thi khảo sát lần này nằm trong chương trình học và không quá đánh đố học sinh.

Thục Anh bày tỏ sự thích thú đối với đề khảo sát môn Ngữ văn: “Cách ứng xử của tuổi trẻ trước cái mới của thời đại công nghệ số là một vấn đề gần gũi với chúng em. Em cũng không cảm thấy quá khó khăn khi tiếp cận với những văn bản hoàn toàn mới ngoài sách giáo khoa. Em có thể tự tin làm bài bằng những kiến thức và kĩ năng được cô dạy trên lớp”.

Thục Anh cho rằng, việc đánh giá khảo sát không chỉ giúp em và các bạn biết được những phần kiến thức mình đang hổng để bổ sung, mà còn giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp, cách tính điểm…

Cô Mai Thị Nguyệt - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Cô Mai Thị Nguyệt - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Cô Mai Thị Nguyệt - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đánh giá, đề thi nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp THPT, gần với các đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã đưa ra từ trước.

Theo đó, phần đọc hiểu gồm 4 câu với đủ các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngữ liệu đọc hiểu là một bài thơ hiện đại, ngôn ngữ dung dị, không khó hiểu với học sinh dù ở khối công lập, dân lập hay giáo dục thường xuyên.

Về phần làm văn, câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn trích trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, từ đó “nhận xét về số phận người lao động dưới chế độ thực dân và chúa đất miền núi”.

Từ yêu cầu về kĩ năng đến yêu cầu về kiến thức đều khá quen thuộc nên chắc cũng không làm khó học sinh. Điều lưu ý với các thí sinh là: cần đọc kĩ cả câu lệnh và đoạn trích văn bản trong đề bài. Vì có thể một số thí sinh xác định rõ vấn đề nghị luận nhưng chỉ phân tích số phận của một trong hai nhân vật: Mị hoặc A Phủ.

Theo cô Nguyệt, điểm mới nhất của đề thi có lẽ là ở câu viết đoạn văn nghị luận xã hội. “Cách ứng xử cần có của tuổi trẻ trước cái mới của thời đại công nghệ số” là vấn đề cập nhật thực tế và rất thiết thực. Vấn đề đặt ra với tất cả mọi người, đặc biệt với thế hệ trẻ về việc tiếp nhận và ứng dụng cái mới của công nghệ số vào đời sống một cách hữu ích.

Vấn đề đặt ra của đề bài cũng sẽ là lời cảnh báo tuổi trẻ nếu không tiếp nhận được cái mới hoặc tiếp nhận một cách lệch lạc, sử dụng vào những mục đích không nhân văn chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy, gây tổn hại không nhỏ cho bản thân, gia đình và xã hội.

“Kì thi khảo sát lớp 12 là một đợt tập duyệt cho học sinh về mọi kĩ năng từ làm bài đến xử lý nhiều tình huống phát sinh khác. Đây cũng là cơ hội để học sinh lớp 12 tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó các em sẽ rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh phù phù hợp để đạt hiệu quả cao trong kì thi chính thức”, cô Nguyệt chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ