Khẳng định vị thế

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. 

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Dù mới là dự thảo nhưng thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho nhà giáo của Bộ GD&ĐT. Điều này mang lại niềm tin và sự kỳ vọng cho đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Còn nhớ, từ những năm đầu của thập niên 2000, chúng ta đã đề cập đến việc xây dựng Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, luật này bị hoãn lại và đến nay vẫn chưa được ban hành. Không phải ngẫu nhiên mà đội ngũ nhà giáo, các chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục lại mong muốn xây dựng Luật Nhà giáo.

Nhìn vào bức tranh tổng thể cho thấy, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước, với hơn 1,4 triệu nhà giáo. Đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành/lĩnh vực. Họ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Ai cũng hiểu, giáo dục là sự nghiệp của Đảng, toàn dân, là quốc sách hàng đầu. Đáng chú ý, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, tầm quan trọng của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Qua đó, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thực tế, các nghị quyết, chủ trương đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, liên tục, nhất quán đối với nhà giáo. Song, quan điểm, chủ trương này cần được thể chế hóa thành luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ.

Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2010 - 2021, cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành về nhà giáo đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ hiện nay. Do đó, vấn đề về nhà giáo cần được điều chỉnh bằng một bộ luật để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và toàn diện.

Ngoài đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, vấn đề then chốt là cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ, chất lượng…

Không riêng đội ngũ nhà giáo mà xã hội tin rằng, luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ giúp pháp điển hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh chế độ chính sách đối với nhà giáo, khắc phục sự tản mạn, chồng chéo của các văn bản hiện hành. Từ đó tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận được các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo.

Trên hết, Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo; đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ