Luật Nhà giáo cần thiết cho hành trình nghề nghiệp người thầy

GD&TĐ - Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là mong muốn của phần lớn đội ngũ nhà giáo bởi khi ra đời không chỉ giải quyết những vấn đề bất cập mà còn giúp nhà giáo thêm hoàn thiện, chuẩn mực, được bảo vệ chặt chẽ trong xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật Nhà giáo - cần sớm ban hành

Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục): Dù nghề giáo đã được đề cập trong một số điều khoản Luật Giáo dục, Luật giáo dục Đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp, các hoạt động, chính sách của các chủ thể liên quan trong ngành giáo dục thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng bởi Luật Viên chức… song Nhà giáo là một chức danh nghề nghiệp và mỗi nghề có đặc trưng riêng, do đó cần sớm ban hành Luật Nhà giáo.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thị Minh Hằng: Luật Nhà giáo sẽ là nền tảng để xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục. Nếu không việc xây dựng môi trường văn hóa giáo dục trong bối cảnh hội nhập, đa văn hóa… dễ bị “nhiễu”, không có chuẩn mực chung…

“Nâng cao chất lượng ngành giáo dục không đơn giản chỉ là đầu tư thật tốt cho chương trình. Bởi chương trình hiện đại, chất lượng, linh hoạt… đến thế nào thì việc thực hiện cũng bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Vì vậy cần tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo thật chuẩn mực. Thầy cô chuẩn mực thì mới đào tạo ra học sinh chất lượng. Sự chuẩn mực của nhà giáo quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong xây dựng Luật Nhà giáo…”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng khẳng định.

Đồng thời khẳng định Luật Nhà giáo được ban hành càng sớm càng tốt để người làm công tác giáo dục nắm chắc và thực hiện nghiêm túc, xem đây như cơ sở, nền tảng để phát triển văn hóa nhà trường. Nếu chỉ mỗi “hô hào” xây dựng văn hóa nhà trường thì không thể hiệu quả khi thiếu “chuẩn” chung được quy định trong Luật.

Hơn nữa, đội ngũ giáo viên đang làm việc trong ngành nghề mang tính đặc thù cao, không chỉ đòi hỏi tốt về chuyên môn, giỏi về kĩ năng mà phải có cả phẩm chất đạo đức, nhiệt huyết; tình yêu nghề yêu trò; Sản phẩm của nhà giáo là thế hệ tương lai đất nước... Do đó xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng tổ cốt cán môn GDCD tỉnh Lào Cai, giáo viên Trường THPT số 1 huyện Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) cũng đồng quan điểm với nhiều đồng nghiệp nên sớm ban hành Luật Nhà giáo.

Đội ngũ nhà giáo mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành

Đội ngũ nhà giáo mong muốn Luật Nhà giáo sớm được ban hành

Cô Hạnh bày tỏ quan điểm: “Nói tới Luật nhiều người nghĩ bị quản lý, soi xét. Nhưng ngược lại có Luật Nhà giáo thì đội ngũ giáo viên sẽ được bảo vệ bằng những quy định cụ thể của pháp luật. Tránh được việc người thầy bị đối xử tiêu cực, thiếu tôn trọng, vi phạm pháp luật; bị học sinh, phụ huynh, xã hội, lên án “vô lý”, trở thành tâm điểm hứng chịu búa rìu dư luận dù sự việc rất nhỏ...

Mặt khác, theo cô Hạnh trong Luật nhà giáo chắc chắn sẽ quy định về quyền nhà giáo được phép bên cạnh nghĩa vụ phải làm. Nên với những nhà giáo nhân danh nhà giáo, tự cho mình quyền vượt mức, có hành động, cử chỉ, việc làm, thái độ… không tốt với học sinh sẽ phải nhìn vào Luật Nhà giáo để kiềm chế, điều chỉnh bản thân, tìm ra cách ứng xử phù hợp, đúng đắn nhất.

Xây dựng cơ chế đặc thù trong Luật nhà giáo

PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng Luật Nhà giáo khi ban hành cần thể chế hóa hành vi, thái độ, giao tiếp ứng xử… mà nhà giáo được và không được làm. Những điều không được cần cụ thể hóa về mức độ vi phạm ra sao?, chịu hình thức kỷ luật của Luật thế nào?... Ví như: Khi giáo viên giao tiếp, ứng xử với học sinh, phụ huynh cần quy định rõ chuẩn mực, mức độ phù hợp…

Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh, Trường THPT số 1 huyện Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) chỉ ra: Trong nhiều gia đình, bố mẹ mắng chửi con, gây áp lực dẫn tới hậu quả tinh thần, từ đó trẻ có hành động tiêu cực hủy hoại bản thân… nhưng chưa bị đưa ra pháp luật xử lý dù vi phạm pháp luật.

Còn với nhà giáo khi lên lớp (đều hướng tới mục tiêu sau cùng là giáo dục, dạy bảo học sinh) nhưng đôi khi vì mong muốn học sinh tốt hơn mà có những lời nói, hành động chưa thấu đáo, chưa lường hết hậu quả, hoặc không mong muốn vẫn để lại hậu quả… thì bị gia đình, xã hội, dự luận lên án và chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật.

Với đặc thù nghề nghiệp rõ nét, nghề giáo cần có cơ chế đặc thù riêng trong việc xử lý tình huống, sự việc không quá nghiêm trọng, ảnh hưởng trong Luật Nhà giáo. Nếu chỉ vì một số ít hành vi, lời nói (chưa dẫn tới tổn hại nặng nề) của giáo viên trong bối cảnh, môi trường đặc thù mà đưa ra phán xét, xử lý theo quy chuẩn, quy định chung thì vô hình chung sẽ triệt tiêu nhiệt huyết giáo viên trong quá trình dạy học, rèn rũa học sinh.

Và hơn thế, hoàn toàn có thể “đẩy” thầy cô khi lên lớp chỉ dạy kiến thức là chính, việc rèn giũa tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho học trò bị buông lỏng để đảm bảo an toàn bản thân, nghề nghiệp.

Cần cơ chế đặc thù đối với giáo viên khi xây dựng Luật Nhà giáo

Cần cơ chế đặc thù đối với giáo viên khi xây dựng Luật Nhà giáo

Cô Nguyễn Thị Thuận, nguyên giáo viên THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng có nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng nếu chỉ dừng lại ở Thông tư, nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết hết. Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản. Có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết được những vướng mắc trên; đồng thời bảo đảm quyền lợi giáo viên.

Minh chứng về điều này: Giáo viên miền núi, dù dạy ở vùng I nhưng điều kiện còn nhiều vất vả, thiếu thốn chẳng khác gì giáo viên vùng khó, nhưng lại không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi…; khi Luật Nhà giáo ban hành với những quy định đặc thù, cơ chế khuyến khích, tạo động lực… sẽ trở thành hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.

Trao đổi về vấn đề xây dựng Luật Nhà giáo, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học đã đề xuất khung chính sách khi xây dựng Luật Nhà giáo.

Cần tạo chính sách đặc thù cho đối tượng nhà giáo (công lập - tư thục); tách nhà giáo khỏi đối tượng công chức - viên chức và có chính sách phù hợp nghề nghiệp đặc thù; luật hóa các chính sách nhà giáo có tính đặc thù nghề nghiệp;

Tạo khung pháp lý cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục; hiệu lực pháp lý mạnh để thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh và nâng cao vị thế của nhà giáo.

Mặt khác, khung chính sách trong Luật Nhà giáo cần cụ thể: Vị trí vai trò,quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm nhà giáo; tuyển sinh, đào tạo để trở thành nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng; Đãi ngộ, tôn vinh, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghề nghiệp nhà giáo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.