Khẳng định trách nhiệm xã hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí công lập.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, trần học phí ở các đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 12 - 24,5 triệu đồng/năm, tùy ngành. Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa đến 2,5 lần mức trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.

Chiếu theo Nghị định 97, các trường đại học có thể tăng học phí, nhất là đơn vị đang dưới trần, trường tự chủ tài chính. Đây cũng là cơ hội để cơ sở giáo dục đại học có thể trở mình sau 3 năm không tăng học phí theo Nghị định 81.

Thế nhưng, gần đây nhiều trường đại học cho biết chủ trương sẽ bình ổn học phí. Thay vì được phép thu 24 - 61 triệu đồng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định mức 10,5 - 35 triệu đồng/năm cho năm nay và năm tới. Các trường đại học khác như: ĐH Công Thương TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Mỏ Địa chất… cho hay nếu có điều chỉnh thì biên độ tăng rất nhẹ. Lý do các trường quyết định bình ổn học phí là muốn chia sẻ với gia đình sinh viên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đồng thời thực hiện cam kết với người học khi tuyển sinh.

Không chỉ bình ổn học phí, năm 2024, nhiều trường đại học còn gia tăng quỹ học bổng và các chương trình hỗ trợ sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến dành 50 tỷ đồng cấp học bổng và các hoạt động hỗ trợ người học, gần gấp đôi so với những năm trước.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng triển khai chính sách học bổng 100% học phí học kỳ I cho tất cả tân sinh viên chọn 28 ngành học tiềm năng. Bên cạnh đó, trường này còn có chính sách kéo giãn việc đóng học phí từ 2 kỳ thành 3 kỳ, đóng trả góp theo tháng lãi suất 0%... Trường ĐH Gia Định dành 1 nghìn suất học bổng học phí trọn khóa 80 triệu đồng, tức giảm khoảng 20%...

Học phí đang chiếm tới 80% nguồn thu của các trường đại học. Các nguồn thu khác như hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; dự án tài trợ, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên… chiếm tỷ lệ rất ít.

Bối cảnh tự chủ tài chính cùng việc không tăng học phí theo Nghị định 81 kéo dài suốt 3 năm qua đã kéo theo nhiều khó khăn cho các trường trong cân đối thu chi và đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Vì thế, bình ổn học phí là quyết định không mấy dễ dàng…

Tuy vậy, các trường đại học cũng ý thức sâu sắc rằng đời sống dân sinh sau đại dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn. Mặc dù có sự phục hồi tích cực nhưng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 không đạt mục tiêu 6,5% đề ra theo kế hoạch. Cả nước vẫn có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Năm 2024, dù dự báo có khởi sắc nhưng kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen nhiều mặt.

Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước. Con đường đến trường của nhiều sinh viên, vì thế còn vô cùng gian nan nếu thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường và xã hội.

Việc nỗ lực bình ổn học phí của nhiều trường đại học trong bối cảnh kinh tế khó khăn cho thấy các trường đã và đang nâng cao trách nhiệm với xã hội trong quá trình triển khai tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học.

Không chỉ dừng lại ở trách nhiệm giải trình, nhà trường đang hướng đến gắn kết và phục vụ hiệu quả vì lợi ích cộng đồng. Bằng việc nâng cao trách nhiệm xã hội, các trường không chỉ làm tốt hơn hình ảnh - thương hiệu chính mình, mà còn lan tỏa tinh thần cộng đồng trách nhiệm xã hội ở giảng viên và sinh viên, góp phần để giá trị trong đại học trở thành giá trị của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc thuỷ đậu. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do mắc thuỷ đậu

GD&TĐ - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (17 tuổi, Bắc Giang) nguy kịch do mắc thuỷ đậu.