Nóng trong tuần: Năm 2024 tiếp tục đổi mới Giáo dục; giữ ổn định học phí

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024; học phí mầm non, phổ thông, đại học... là thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024.

Tiếp tục đổi mới giáo dục

Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn.

Báo cáo năm 2023 cho thấy công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành Giáo dục và đạt được một số kết quả nổi bật.

Đánh giá cao những kết quả nổi bật của năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là năm ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân... Trong nội bộ ngành cũng đồng tâm, nhất trí.

Chia sẻ về năm 2024, Bộ trưởng khẳng định còn nhiều thách thức nhưng nếu vượt qua, ngành Giáo dục sẽ đạt được những kết quả mới. Năm 2024 có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để vượt qua khó khăn, hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra, Bộ trưởng nhấn mạnh từ khoá làm tinh thần triển khai cho năm 2024 là: Bản lĩnh – Thực tiễn – Chất lượng – Lan tỏa. Dựa trên tinh thần trên, Bộ trưởng cho rằng năm 2024, ngành Giáo dục cần triển khai tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Cùng với đó, trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Những nội dung khác cần lưu ý là xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, xây dựng Luật Nhà giáo...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong ký kết Kế hoạch hợp tác.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục

Ngày 6/1, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong đã ký kết Kế hoạch hợp tác về giáo dục năm 2024.

Đây là một trong số những văn kiện được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone.

Kế hoạch hợp tác giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao năm 2024 tập trung triển khai nâng cao chất lượng đào tạo, công tác tuyển chọn đầu vào thực hiện nghiêm theo Nghị định thư của 2 Chính phủ, công tác đào tạo tiếng Việt, đào tạo chuyên ngành, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý các cấp. Dự kiến, hàng năm Chính phủ Việt Nam cấp 1.120 học bổng cho lưu học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam các bậc THPT, đại học và sau đại học tại Việt Nam.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã hội đàm chính thức. Tại đây, hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục và đào tạo - một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ song phương và nhất trí tích cực phối hợp triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Học phí năm học 2023 - 2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ ổn định so với mức học phí năm học 2021 - 2022.

Học phí năm học 2023 - 2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ ổn định so với mức học phí năm học 2021 - 2022.

Giữ ổn định học phí mầm non, phổ thông

Học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giáo dục đại học là vấn đề giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội trong tuần qua. Theo Nghị định 97/NĐ-CP, giữ ổn định học phí từ năm học 2023 – 2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021 – 2022.

Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn.

Nghị định 97 cũng quy định chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho các đối tượng ưu tiên tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Ngoài ra, học sinh, sinh viên cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ bên cạnh Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt sách giáo khoa lớp 9 và lớp 12 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, danh mục sách lớp 9 gồm 48 sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục dành cho học sinh lớp 9 và được sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2024 – 2025.
Danh mục sách lớp 12 gồm 39 sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục dành cho học sinh lớp 12 và sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2024 – 2025. Đây là các sách giáo khoa mới được biên soạn theo Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.