Không để ảnh hưởng đến tâm lý học tập của thí sinh
Nhất trí cao với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non; các chuyên gia cho rằng, những điểm mới của dự thảo Thông tư sẽ tháo gỡ được các vướng mắc.
Những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất trong cả nước với tỷ lệ nhập học ngày càng tăng dần.
Bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội viện dẫn, năm 2022, số thí sinh đã xác nhận nhập học vào các trường là 52.529/92.464 thí sinh đăng kí xét tuyển, chiếm 56.81%.
Năm 2023, số thí sinh đã xác nhận nhập học là 69.540/98.208 thí sinh đăng kí xét tuyển, chiếm 70.81%. Năm 2024, tính đến hiện nay số thí sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào các trường là 107.127 thí sinh.
Bà Vương Hương Giang nhất trí cao với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, những năm qua khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở thấy bộc lộ một số tồn tại như: với mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh trong khi đây là thời gian cao điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập, vì chỉ cần đạt được tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và ảnh hưởng đến tâm lý ôn tập của các thí sinh khác.
Vì thế, bà Hương Giang cho rằng, việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được được các tồn tại nêu trên.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Vì như vậy, đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở Học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Nâng cao chất lượng tuyển sinh
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT khẳng định, những gì Bộ GD&ĐT đã thực hiện và sửa đổi quy chế tuyển sinh trong những năm qua là vì mục đích nâng cao chất lượng, không chỉ chất lượng tuyển sinh, mà còn là chất lượng giáo dục phổ thông.
Qua đó, đảm bảo công bằng cho thí sinh, góp phần xử lý thí sinh ảo, giúp các trường tuyển sinh theo kế hoạch, đơn giản hóa tối đa cho thí sinh, cho các trường, nhận cái khó về hệ thống… TS Lê Trường Tùng trân trọng và ghi nhận nỗ lực của Bộ GDĐT để phục vụ mục tiêu chung này.
Ủng hộ những thay đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non đang lấy ý kiến, TS Lê Trường Tùng cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay là nhìn nhận lại hệ thống tuyển sinh hiện tại và xem xét những sửa đổi làm sao cho khả thi và phù hợp.
Theo đó, đối với việc xét tuyển sớm, các trường cần quy định rõ, chỉ được thông báo trúng tuyển sớm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo không gây xáo trộn quá trình học tập, không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi THPT.
Cho rằng, công tác tuyển sinh tác động đến quá nhiều đối tượng liên quan, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, dự thảo nhận được nhiều ý kiến đồng thuận là điều đáng mừng.
Đây cũng là thời điểm Bộ GD&ĐT mong muốn các trường đại học cần lên tiếng nhiều hơn, để cùng với Bộ, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông thống nhất cho dự thảo thông tư lần này trước khi ban hành chính thức trong thời gian tới.
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, lợi ích của thí sinh đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở cả giáo dục phổ thông, lẫn đầu vào đại học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.