Cần thiết chấn chỉnh xét tuyển sớm

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT có biện pháp chấn chỉnh đối với xét tuyển sớm là cần thiết để thí sinh bớt rối rắm, đồng thời đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào, tạo công bằng cho mọi thí sinh.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT

Nên khuyến cáo với các trường

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM đề xuất không nên bắt buộc con số 20% chỉ tiêu mà chỉ khuyến cáo với các trường. “Trường đại học đã dự kiến chỉ tiêu xét tuyển sớm bằng học bạ THPT, điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường… mà bây giờ bắt buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20% thì sẽ khó cho các trường”, ông Sơn lý giải.

Theo chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển sinh này, chỉ nên khuyến khích các trường đại học áp dụng, do Luật Giáo dục Đại học đã quy định về tự chủ tuyển sinh. “Đặc biệt, nếu tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường đại học phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung, điều đó sẽ xảy ra tình trạng dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt”, ông Sơn cảnh báo.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM (UEF) cho hay, xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu và điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm trúng tuyển sau khi công bố kết quả trúng tuyển chung sẽ khó khăn cho các trường trong việc công bố trúng tuyển sớm, khả năng cạnh tranh thu hút thí sinh giỏi giữa các trường cũng sẽ diễn ra.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) nhận định việc Bộ GD&ĐT đưa ra quy định giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh.

Quy định này hướng tới hạn chế tình trạng xét tuyển sớm tràn lan, gây rối loạn thông tin và khiến thí sinh gặp khó khăn trong việc theo dõi, lựa chọn ngành học phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, quy định này bộc lộ một số hạn chế, đặc biệt trong việc đáp ứng nhu cầu linh hoạt của các trường đại học và đặc thù từng ngành đào tạo.

Trước hết, đối với trường có yêu cầu xét tuyển cao nhằm tuyển chọn sinh viên xuất sắc hoặc có năng lực vượt trội, giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm gây trở ngại trong việc chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Quy định này có thể làm giảm khả năng thu hút thí sinh chất lượng cao, đặc biệt ở những ngành khó tuyển sinh hoặc có tính cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, việc dồn phần lớn chỉ tiêu vào kỳ xét tuyển chính tạo áp lực lớn cả cho nhà trường lẫn thí sinh trong thời gian ngắn. Từ đó, các trường khó dự đoán chính xác số lượng thí sinh nhập học, dẫn đến nguy cơ thiếu hoặc thừa chỉ tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tuyển sinh.

Hơn nữa, quy định này chưa tính đến đặc thù từng ngành và trường. Các ngành đặc thù hoặc ít được ưa chuộng, như kỹ thuật hoặc nông nghiệp, thường phụ thuộc vào xét tuyển sớm để đảm bảo đủ số lượng sinh viên nhập học. Giới hạn tỷ lệ xét tuyển sớm ở mức 20% có thể khiến các ngành này khó đạt đủ chỉ tiêu, gây mất cân đối ngành nghề trong xã hội.

“Sự mất cân đối này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương, làm giảm động lực thu hút đầu tư, không đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao mà doanh nghiệp yêu cầu và thậm chí làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Quỳnh nhận định.

Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào điểm số trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Xét tuyển sớm có thể bao gồm xét học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh đặc thù, kết hợp các tiêu chí… Như vậy, với dự thảo quy định trên, có thể hiểu là 80% chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường dành cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đại diện các trường đại học đánh giá, điều này tạo ra sự mất cân đối giữa các phương thức tuyển sinh. Trong khi nhiều trường áp dụng đa dạng phương thức như xét học bạ, xét tuyển thẳng hoặc đánh giá năng lực, việc tập trung quá nhiều chỉ tiêu vào một phương thức duy nhất không phản ánh được sự linh hoạt trong lựa chọn của cả nhà trường và thí sinh.

Hơn nữa, hiện tỷ lệ hồ sơ ảo tại các trường khá cao bởi một thí sinh thường sẽ nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào nhiều trường. Do đó, nhiều trường phải “gọi” số thí sinh cao lên nhằm loại trừ hồ sơ ảo, thậm chí có trường phải gọi số lượng thí sinh gấp đôi để… “trừ hao đi là vừa”.

“Tôi biết có trường chỉ tiêu chỉ khoảng 1.200 nhưng lại gọi tới 1.500 em, sau khi trừ hao đi số thí sinh bỏ nhập học, thậm chí trường chỉ còn khoảng 750 - 800 em nên tiếp tục phải chờ xét tuyển thêm mới đủ chỉ tiêu”, đại diện trường ĐH công lập nói.

khong-che-chi-tieu-xet-tuyen-som.jpg
Thí sinh tìm hiểu ngành nghề mùa tuyển sinh năm 2024 tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ảnh: HUTECH

Nhiều đề xuất thiết thực

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) nêu quan điểm, quy định xét học bạ cả 3 năm học THPT để các trường đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc phổ thông, đồng thời khuyến khích các em tập trung hoàn tất và đạt kết quả tốt nhất trong năm học cuối cấp là cần thiết.

Tuy nhiên, bà Dung cũng đề xuất một số ý kiến nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong phương thức tuyển sinh. Đó là nếu được, việc lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển học bạ theo các học kỳ khác nhau cũng là một cách để học sinh có thể không bị áp lực vào học kỳ của năm lớp 12.

Đồng thời, nếu quy định xét tuyển học bạ phải có kết quả học kỳ II lớp 12 thì các kỳ thi riêng của các trường (nếu có) cũng nên được tổ chức sau khi kết thúc học kỳ II năm lớp 12, qua đó đảm bảo sự đồng bộ về chủ trương xét tuyển và các kỳ thi. “Điều này không chỉ đảm bảo các bài thi phản ánh đầy đủ kiến thức đến cuối năm lớp 12, mà còn giúp học sinh tập trung vào việc ôn tập, tránh bị phân tâm bởi các kỳ thi hoặc đợt xét tuyển diễn ra quá sớm”, bà Dung nói.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng đề xuất, đối với các ngành khó tuyển sinh hoặc ít được ưa chuộng, nên cho phép xét tuyển sớm lên đến 30 - 40% chỉ tiêu để tăng khả năng thu hút thí sinh.

Đồng thời, các trường có cơ sở vật chất tốt, đã được kiểm định chất lượng hoặc có uy tín cao nên được phép xét tuyển sớm với tỷ lệ lớn hơn, nhằm phát huy thế mạnh và đáp ứng nhu cầu đào tạo gắn với thực tiễn. “Sự điều chỉnh này không chỉ đảm bảo cân đối giữa các ngành nghề, mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong dài hạn”, ông Quỳnh khẳng định.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM đã thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với năm 2018), được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả. Qua kỳ thi này, riêng Đại học Quốc gia TPHCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2024.

Năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM thống nhất còn 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng (theo quy chế của Bộ GD&ĐT); xét điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, khả năng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực sẽ tăng thêm từ 10% - 20%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) tích cực ứng dụng công nghệ và phần mềm học tập trực tuyến để đổi mới các tiết dạy. Ảnh minh họa: INT

Giáo dục trong Kỷ nguyên mới

GD&TĐ - Đường lối chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Đảng đối với ngành Giáo dục là luôn đề cao, ưu tiên các chính sách để phát triển giáo dục...