Hôm qua, 8/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã kết thúc với 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận.
Có 310 đại biểu đăng ký chất vấn, 15 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được chất vấn, tranh luận.Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp trả lời. Phạm vi chất vấn cũng rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục...
Theo Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả.
Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan và chất vấn của các đại biểu cũng chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm. Một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu,chậm chuyển biến,chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Từ thực tế này, theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để bảo đảm các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Đồng thời đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra...
Chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp và hiệu quả tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội cũng như việc thực hiện các lời hứa, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Cũng thông qua chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội giải trình, nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ, từ đó nâng cao trách nhiệm trong khắc phục các hạn chế, tồn tại.
Riêng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì dù không phải lời hứa, cam kết và nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện. Và những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành...
Để thực hiện được điều này, quan trọng nhất, như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội là Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn. Tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.