Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành, được cử tri, dư luận cả nước quan tâm.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm; các vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về trách nhiệm của Ủy ban và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng…
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học; hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn và giảm ùn tắc; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định; đào tạo giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.
Trong số 4 bộ trưởng, trưởng ngành nói trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dày dặn kinh nghiệm hơn, vì ông từng trả lời chất vấn cả trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và khóa XV.
Lần gần đây nhất ông đăng đàn phiên chất vấn là tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Với 3 người còn lại - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng - đây đều là lần đầu tiên ngồi “ghế nóng”, trả lời trực tiếp trước Quốc hội.
Nhưng dù có ít hay nhiều kinh nghiệm hơn thì cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc được giao vẫn sẽ chia đều cho 4 bộ trưởng, trưởng ngành trong phiên chất vấn.
Cử tri kỳ vọng các vị bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao sẽ trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề, đại biểu nêu.
Đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình và lĩnh vực mình, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cử tri kỳ vọng các đại biểu Quốc hội hiểu rõ và đặt những câu chất vấn bộ trưởng trúng tâm tư, gan ruột của họ; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục, qua đó cũng là những gợi ý bổ sung giải pháp để Chính phủ, các bộ, ngành có các quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành.
Qua phiên chất vấn, cử tri chắc chắn sẽ có cho mình đánh giá xác đáng về từng thành viên Chính phủ, từng trưởng ngành - người nào thực sự nỗ lực, người nào trách nhiệm sát sao, người nào tạo ra chuyển biến tích cực...; và từng đại biểu Quốc hội - người nào thực sự gắn bó mật thiết với cử tri, nói lên tiếng nói của họ.