Kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường gồm 6 môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh với hình thức trắc nghiệm hoàn toàn. Thí sinh được lựa chọn đăng ký thi 3 hay nhiều môn theo tổ hợp xét tuyển và được dự thi nhiều đợt. Nội dung bài thi bám sát chương trình học THPT, theo định hướng kiểm tra năng lực học đại học của thí sinh.
Như vậy, đến nay có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh. Thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành hơn 30 nghìn chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của kỳ thi đánh giá năng lực. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức. Riêng các trường thành viên ĐHQG TPHCM tuyển khoảng 22 nghìn chỉ tiêu, gần 35,4% thí sinh nhập học bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Năm 2023, nhiều trường dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi riêng, như ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội...
Sức lan tỏa của các kỳ thi riêng ngày càng lớn và mức độ tác động đến đông đảo học sinh lớp 12 cũng nhiều hơn. Vì thế, chọn tham gia kỳ thi nào, ôn thi ra sao để đạt kết quả tốt là trăn trở của nhiều em. Thực tế cho thấy, năm 2022 vừa qua, tại TPHCM từng có không ít thí sinh ngoài đăng ký thi đến 2 lần Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, còn đăng ký thi riêng kỳ thi của Trường ĐH Việt Đức, hay Trường ĐH Sư phạm TPHCM, rất căng thẳng.
Trong khi đó có không ít học sinh ở tỉnh xa phải lên các thành phố lớn để thi, kéo theo tốn kém tiền bạc, thời gian, chẳng khác gì “khăn gói” đi thi đại học ngày xưa. Dù các trường tổ chức thi riêng khẳng định không tổ chức luyện thi, nhưng chỉ cần tìm kiếm trên Google đã thấy xuất hiện nhan nhản các lò luyện chào mời thí sinh.
Học sinh trăn trở, thậm chí lúng túng trước các kỳ thi riêng là thực tế nhưng công tác tư vấn, định hướng cho trò liên quan đến kỳ thi này ở các trường trung học hiện còn trống vắng. Số đông nhà trường và giáo viên hiện chỉ làm tốt công tác tư vấn ôn thi, định hướng xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, còn cách thi và xét tuyển theo kết quả của kỳ thi riêng khác nhau, nên không phải ai cũng rành.
Hiện chỉ ở một số ít trường, thầy cô định hướng được cho học sinh 2 kỳ thi lớn, có đông thí sinh như kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐHQG, còn lại đa số sẽ tổng hợp băn khoăn của trò gửi đến trường tổ chức thi, hướng dẫn các em liên hệ đại học nơi dự kiến xét tuyển hoặc tham gia chương trình tư vấn để tìm hiểu.
Việc xuất hiện nhiều kỳ thi riêng là tín hiệu tích cực cho thấy mức độ tự chủ của các trường đại học ngày càng cao. Các kỳ thi này mang tính đột phá, không tập trung vào kiểm tra kiến thức là tiệm cận với khảo thí quốc tế. Tuy vậy, nếu các kỳ thi riêng “trăm hoa đua nở” mà thiếu sự tư vấn, định hướng chu đáo thì dễ dẫn đến nhiều hệ lụy, mà thí sinh sẽ là người vất vả nhất.
Vì thế, song song với việc bảo đảm chất lượng khảo thí, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức thi cần tăng cường định hướng, tư vấn và phối hợp với trường THPT hướng dẫn thí sinh. Đặc biệt các đơn vị cần phải có giải pháp tạo thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Việc mở rộng điểm thi Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM hay công nhận kết quả chéo lẫn nhau trong xét tuyển của các trường như ĐH Sư phạm Hà Nội - ĐH Sư phạm TPHCM, ĐHQG Hà Nội - ĐHQG TPHCM trong năm 2023 là những chuyển động tích cực, cần nhân rộng.