Kỳ thi tuyển sinh riêng: Giữ ổn định, nâng chất nguồn tuyển

GD&TĐ - Xu hướng tuyển sinh bằng kỳ thi riêng trong vài năm gần đây được các trường ĐH-CĐ đẩy mạnh nhằm nâng chất lượng nguồn tuyển.

Chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tư vấn phương thức xét tuyển.
Chuyên viên tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tư vấn phương thức xét tuyển.

Năm nay, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh 2023, dự kiến tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng tiếp tục tăng.

Cận cảnh các kỳ thi riêng

Năm 2023 ĐHQG TPHCM tiếp tục giữ ổn định Kỳ thi Đánh giá năng lực, tổ chức tại 17 tỉnh, thành phố như năm 2022. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM cho biết, Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 có 2 đợt thi: Đợt 1 vào ngày 26/3 và đợt 2 vào ngày 28/5. Ngoài 17 địa điểm thi như năm 2022, ĐHQG TPHCM dự kiến mở rộng thêm điểm thi tại Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

“Năm 2022 tổng chỉ tiêu đề ra của ĐHQG TPHCM dành cho xét điểm thi Kỳ thi Đánh giá năng lực chiếm 40% và tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học ở phương thức này đạt gần 35,4%. Năm 2023, ĐHQG TPHCM dự kiến tăng chỉ tiêu tối thiểu cho phương thức này lên 45%. Chúng tôi cũng giữ nguyên hình thức thi, cấu trúc đề, nội dung, cách đăng ký thi, dùng hệ thống xét tuyển chung…. Bài thi vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi gồm ba phần, 40 câu về sử dụng ngôn ngữ; 30 câu về Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; 50 câu về giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo việc đánh giá thí sinh toàn diện nhất”, TS Chính nói.

Tương tự, ĐHQG Hà Nội vừa công bố lịch 8 đợt thi với quy mô khoảng 70.000 thí sinh tham gia (100.000 lượt thi). Thời gian thi từ tháng 3 - tháng 6/2023. Đơn vị này dự kiến có khoảng 60 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.

Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức Kỳ thi Đánh giá tư duy thành ba đợt thi, vào các tháng 5, 6 và 7, tăng hai đợt so với năm trước. Đại học này cũng thông báo điều chỉnh cấu trúc, nội dung đề thi và bắt đầu áp dụng từ năm 2023. Theo đó, bài thi tư duy diễn ra trong 150 phút. Trong đó, phần Tư duy Toán học và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề có thời lượng 60 phút, còn Tư duy Đọc hiểu 30 phút.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2023 tiếp tục tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt như năm 2022 với hai đợt thi (từ tháng 4 - 6/2023). Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thí sinh tham dự kỳ thi làm 6 bài thi gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào thì đăng ký dự thi một hoặc một số bài thi tương ứng. Nội dung kiến thức trong đề: 70% - 80% thuộc chương trình lớp 12, còn lại ở lớp 10, 11.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến phương án tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh trong năm 2023. Nhà trường đã hoàn thiện cấu trúc, ma trận đề thi của các bài thi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực và chương trình giáo dục phổ thông mà thí sinh là học sinh lớp 12 vừa hoàn thành.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM trong ngày vui tốt nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM trong ngày vui tốt nghiệp.

Nâng chất nguồn tuyển

Chất lượng một số kỳ thi riêng đã được kiểm chứng qua công tác tuyển sinh và đào tạo. Số thí sinh tham gia, các trường tăng dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng kỳ thi riêng cho thấy điều đó. Theo thống kê của ĐHQG TPHCM, năm 2022, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi Đánh giá năng lực qua hai đợt thi đạt trên 120.000 lượt. Hơn 80 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Trong đó, các đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM dành từ 20 đến tối đa 70% tổng chỉ tiêu cho phương thức này.

Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM năm 2023 sẽ dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh bằng phương thức tổng hợp. Phương thức này dựa trên các tiêu chí gồm 90% học lực (gồm ba thành phần: Kết quả học tập ở bậc THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực); 5% năng lực cá nhân (giải thưởng ở các cuộc thi) và 5% điểm về hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Năm 2022, trường dành 70 - 90% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển trên. Kết quả có 13.922 nguyện vọng của thí sinh đăng ký. Trong số thí sinh đã trúng tuyển có 43,2% với điểm thi đánh giá năng lực từ 800/1.200 điểm và 43% có điểm thi THPT (theo tổ hợp đăng ký xét tuyển) từ 26 điểm.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM nhìn nhận: Ưu điểm của các kỳ thi riêng hay phương thức xét tuyển tổng hợp là tuyển chọn được sinh viên có năng lực phù hợp, góp phần giảm đáng kể chi phí từ ngân sách Nhà nước và xã hội cho các kỳ thi tuyển sinh. Đặc biệt, phương thức tuyển sinh riêng còn tạo điều kiện để thí sinh chọn đúng và trúng tuyển ngành đào tạo, trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân.

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức Kỳ thi Đánh giá năng lực với gần 2.000 em dự thi, điểm chuẩn của phương thức này rất tốt. Do đó, năm 2023 về cơ bản, trường tiếp tục giữ ổn định kỳ thi này cũng như tăng tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhằm hướng đến việc ổn định kỳ thi và dần thay thế cho phương thức xét tuyển khác. ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, phương thức tuyển sinh riêng sẽ mang đến lựa chọn phù hợp nhất cho nhà trường và thí sinh.

“Với học sinh mong muốn vào học ngành sư phạm thì việc tham gia kỳ thi riêng là sự sàng lọc năng lực cho bản thân. Đặc biệt, năm nay, hai trường là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM còn công nhận kết quả kỳ thi riêng của nhau. Nghĩa là thí sinh muốn xét tuyển vào trường này có thể dự thi kỳ thi của trường kia. Đây là thuận lợi rất lớn cho thí sinh”, ThS Trung nói.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết rất yên tâm với nguồn tuyển từ kỳ thi riêng. Từ thực tiễn tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 và nguồn lực hiện có, nhà trường tin tưởng có thể thực hiện đề án tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Hiện có khoảng 6 trường ĐH lớn thuộc khối sư phạm dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi của trường để xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Quy Nhơn và ĐH Sư phạm TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.