Đến với bài thơ hay:

Khắc khoải hình bóng quê hương

GD&TĐ - Gần thường, xa nhớ, xa thương dạt dào, quy luật trái tim muôn đời là thế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lê Kiều Hưng

Điệu hò sông Mã

Nghe điệu hò sông Mã

Ở nơi xa xứ người

Chợt thấy lòng rộn rã

Quê mình ở khắp nơi

Huầy dô, bên bồi lở

Sông đau, cuộn thác ghềnh

Quê nghèo từ muôn thuở

Nên đời người chông chênh!

Huầy dô, qua giông bão

Dòng đời lại trong veo

Như tình người sâu nặng

Phù sa át bọt bèo

Huầy dô, vững tay chèo

Mặc dòng xuôi ngược chảy

Câu ca từ thuở ấy

Đến bây giờ còn xanh

Nghe điệu hò xứ Thanh

Lòng rưng rưng da diết

Yêu quê mình tha thiết

Điệu huầy dô, dô huầy...

Với tác giả Lê Kiều Hưng, niềm xa thương đó được nhen lên bởi chất xúc tác đặc biệt: “Điệu hò sông Mã”. Giai điệu quê hương khơi nguồn cảm xúc, tạo nên tứ thơ hay, tha thiết tình yêu quê hương xứ sở.

Thơ cốt ở tình, tình rung lên bởi sự việc, hoàn cảnh cụ thể từ đời sống. Khổ đầu của bài thơ “Điệu hò sông Mã” gồm bốn câu, hai mươi chữ nói đủ cả sự và tình.

Sự gắn với cảnh ngộ chủ thể trữ tình xa quê, hai từ “xứ người” mở ra khoảng cách xa lạ, lạc lõng thiếu thân quen gần gũi, đất lạ nào đã thành quê hương. Chính hoàn cảnh, sự tình ấy trở thành ngọn lửa nhen lên cái tình “rộn rã”:

“Chợt thấy lòng rộn rã

Quê mình ở khắp nơi”.

Thì ra, âm thanh “Điệu hò sông Mã” trở thành tín hiệu mang đến niềm phấn khởi, rộn ràng của lòng người. Quê hương dẫu xa vẫn hiển hiện. Chữ “chợt” diễn tả thần tình cái bất ngờ của lòng người, vỡ òa một chân lí: Dù đi đâu về đâu, hình bóng quê hương luôn khắc khoải trong trái tim người con xa xứ. Ý thơ của Lê Kiều Hưng viết riêng cho mình mà chạm đến trái tim mọi người.

“Điệu hò sông Mã” là thi phẩm giàu tính nhạc. Ba khổ thơ sau, tác giả đều mở đầu bằng điệp khúc “huầy dô” tựa như lời mở của mỗi câu hò sông Mã. Điệp khúc “huầy dô” hối thúc lòng người, và hơn hết nương theo âm điệu ấy, vùng đất quê Thanh, cuộc sống, con người xứ Thanh hiện lên chân thực:

“Huầy dô bên bồi lở

Sông đau, cuộn thác ghềnh

Quê nghèo từ muôn thuở

Nên đời người chông chênh

Huầy dô, qua giông bão

Dòng đời lại trong veo

Như tình người sâu nặng

Phù sa át bọt bèo…”.

Nghệ thuật nhân hóa “sông đau” được nhà thơ sử dụng đắc địa. Dòng sông Mã ôm trọn nỗi đau bởi thiên tai, thác ghềnh bão tố, dòng sông tựa như nhân chứng cho cuộc sống người dân quê Thanh bao đời đói nghèo “chông chênh” vất vả mà luôn luôn lạc quan, tình người sâu nặng.

Giông bão qua đi, phù sa lại về. Mấy dòng thơ, mấy mươi chữ, tác giả Lê Kiều Hưng rất tài khi thâu tóm đầy đủ những đặc trưng cốt lõi nhất của miền đất quê Thanh. Lời thơ dung dị, cảm xúc được viết nên bởi niềm yêu thương, thấu hiểu, tự hào nên sẽ khắc sâu trong tâm trí mỗi người.

Sức sống của miền quê, cũng là sự trường tồn của điệu hò sông Mã:

“Huầy dô, vững tay chèo

Mặc dòng xuôi ngược chảy

Câu ca từ thuở ấy

Đến bây giờ còn xanh”.

Ý thơ các khổ trên nghiêng về cảm xúc thì chuyển thành suy tư triết lí. Từ ngàn xưa đến ngàn sau, điệu hò sông Mã luôn “xanh” mãi với thời gian, trở thành giai điệu yêu thương trong trái tim mỗi người. Để rồi ai đó dù ở một nơi nào xa, xa lắm, nghe điệu hò ấy sẽ cảm nhận được hình bóng quê hương luôn gần ở bên mình.

Khổ cuối bài thơ đánh dấu cao trào của cảm xúc, ở đó nhân vật trữ tình bộc lộ rõ nhất nỗi lòng của mình: Xúc động, yêu mến, tự hào:

“Nghe điệu hò xứ Thanh

Lòng rưng rưng da diết

Yêu quê mình tha thiết

Điệu huầy dô, dô huầy”.

Cái hay của khổ thơ được tạo nên bởi điệp khúc “huầy dô, dô huầy” giống như âm cuối của bản nhạc, gieo vào lòng người xúc cảm khó quên. Nghe điệu hò, yêu mãi một miền quê để rồi gần thương xa nhớ.

“Thơ là ý lớn, tình sâu trong lời hay tiếng đẹp” (Trần Thanh Đạm). Bài thơ “Điệu hò sông Mã” của tác giả Lê Kiều Hưng mang một hàm ý lớn, tứ thơ khơi nguồn từ tình yêu quê hương sẽ thắp sáng tình yêu, niềm tự hào về non sông đất nước. Quê hương là nơi ta có thể rời xa, song trái tim sẽ vẫn luôn ở đó. Bài thơ kết lại, âm điệu “huầy dô, dô huầy” còn để nhớ, để thương trong lòng người trên mọi nẻo đường cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ