Đến với bài thơ hay: Bỗng nhiên nhớ quê mình

GD&TĐ - Có nhiều cái xa rồi mới nhớ, mới thương, mới ao ước tìm về và trân trọng, mến yêu.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Lời bình của Nguyễn Văn Luyện

Bỗng nhiên nhớ quê mình

Nhớ nhà cách bờ giậu

Nhớ quê thời thơ ấu

Ngọn tre rợp bóng trăng

Những đêm hè thức trắng

Chơi trò vui trốn tìm

Chút giật mình ú tim

Ổi vườn ai trĩu quả

Giờ quê thành xa lạ

Đêm lặng thinh bóng người

Trẻ già đều đi vắng

Xa ảo trên... mạng chơi

Bỗng nhiên muốn về nơi

Không khói xe cao ốc

Không Facebook, Zalo

Quê màu xanh biêng biếc

Nhấm nỗi buồn nuối tiếc

Ánh mắt tuổi mười lăm

Ra đi xa tiễn biệt

Cho ai buồn chênh vênh

Bỗng nhiên nhớ quê mình

Nhớ lời ru thuở bé

Nhớ quê nghèo như mẹ

Nỉ non cánh cò bay...

Nguyễn Đình Ánh

Giữa những đổi thay chóng mặt của cuộc sống hiện đại, Nguyễn Đình Ánh “Bỗng nhiên nhớ quê mình”, để rồi tình cờ gặp tứ thơ ấy, bản thân được đồng cảm, nghĩ suy, trở về với ngày xửa ngày xưa mang nhiều kỉ niệm.

Bài thơ mênh mang một miền nhớ. Miền nhớ đó được khơi nguồn từ những đổi thay của cuộc sống hiện đại: “Giờ quê thành xa lạ/Đêm lặng thinh bóng người/ Trẻ già đều đi vắng/Xa ảo trên... mạng chơi”.

Bốn câu thơ, hai mươi chữ, thi sĩ nói đủ, nói trúng sự thật cuộc sống đương đại. Chữ “xa lạ” đọc lên sao nhoi nhói trong lòng. Biết vậy, song sự thật vẫn là sự thật, đâu thể nào đổi khác được. Mạng xã hội, chiếc điện thoại thông minh đã đẩy con người xa dần đời thực, say trong thế giới ảo, gần đấy mà lại hóa xa xôi, quê vẫn quê xưa mà sự đời đã khác, dửng dưng, giá buốt. Hai chữ “lặng thinh” diễn tả được cái vắng của cảnh và cái se sắt của lòng người.

Miền nhớ từ cái “bỗng nhiên” của tác giả đưa người ta ngược về một thời kỉ niệm. Ngày đó nhà cách nhà chỉ cái bờ giậu thân thương nặng nghĩa xóm tình làng tắt đèn tối lửa. Ngày đó, đêm trăng, lũy tre làng rợp bóng, trẻ con, đùa vui với trò chơi “trốn tìm” nơi sân đình, ngõ xóm.

Thú nhất là một thoáng “giật mình ú tim” khi trộm ổi “vườn ai” bất ngờ bị chủ nhà phát giác. Nguyễn Đình Ánh viết thơ cho mình, mà đánh thức kỉ niệm của biết bao người. Nhớ lắm một thời trong veo, tinh nghịch, hồn nhiên. Trong bài thơ, điệp từ “nhớ” xuất hiện 6 lần, nỗi nhớ đi qua nhiều đối tượng nhưng có lẽ lắng đọng, nhất chính là: “Nhớ lời ru thuở bé/ Nỉ non cánh cò bay...”.

Bình dị, gần gũi mà da diết nhớ thương. Trong lời mẹ ru có cánh cò bay lả, có suối nguồn yêu thương nuôi ta lớn nên người. Nét độc đáo trong câu thơ là lối so sánh tương đồng “quê nghèo như mẹ”. Nghèo đấy mà bình yên, nghèo đấy mà tình người ấm áp. Đâu “xa lạ”, “lặng thinh” như cuộc sống no đủ hôm nay, nhà cách nhà bởi tường cao bưng bít, người xa nhau bởi Facebook, Zalo...

Quá khứ nhớ thương chỉ còn trong hoài niệm, hiện tại lạ xa đâu phải dễ đổi thay. Bởi vậy, tác giả chỉ thầm ao ước: “Bỗng nhiên muốn về nơi/ Không khói xe cao ốc/Không Facebook, Zalo/Quê màu xanh biêng biếc”.

Niềm ao ước thành thực ấy cho ta một nỗi khát thèm, khát thèm cái “màu xanh biếc biếc” để tâm hồn an bình, thư thái, để được một lần “nhấm” nỗi “buồn chênh vênh” khi ai đó “tiễn biệt cách xa”. Guồng quay của nhịp sống hiện đại khiến người ta mệt nhoài, thế nên một thoáng sống chậm lại, tắt máy tính, đăng xuất Zalo đi là việc nên làm để sống với đời thực, sống trong sự gần gũi, quan tâm.

“Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa” (Xuân Diệu). “Bỗng nhiên nhớ quê nhà” (Nguyễn Đình Ánh) đích thực là tứ thơ khơi nguồn tự hiện thực cuộc đời. Trong một lần trò chuyện anh kể “bài thơ tôi viết trong một đêm mùa hạ, khi ra đồng và bắt gặp bọn trẻ túm tụm vào điện thoại”.

Duyên cớ chỉ có vậy, cái tài của người viết là thổi vào đó bao nỗi niềm cảm xúc tâm trạng, sự trăn trở và cả ước mong về cuộc sống bình yên, không đắm chìm vào thế giới “ảo” xa xôi. Sau một thoáng “Bỗng nhiên nhớ quê nhà” của Nguyễn Đình Ánh, biết đâu ai đó sẽ giật mình và chọn được cách sống phù hợp giữa dòng đời tất bật, bon chen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ