Cô giáo trẻ người Thái không hối hận khi vào cách ly cùng học sinh là F1

GD&TĐ - "Khi vào khu cách ly, các em nhìn thấy cô mừng lắm, chạy ùa ra đón. Cô trò muốn ôm lấy nhau mà không được, phải giữ khoảng cách", cô Hà Thị Kim nhớ lại.

Cô giáo Hà Thị Kim (SN 1996) - GV Trường Tiểu học Tri Lễ 1, xã Tri Lễ, Quế Phong tình nguyện vào cách ly cùng học sinh là F1 trong 14 ngày.
Cô giáo Hà Thị Kim (SN 1996) - GV Trường Tiểu học Tri Lễ 1, xã Tri Lễ, Quế Phong tình nguyện vào cách ly cùng học sinh là F1 trong 14 ngày.

Cô chỉ biết đứng cách xa 1 mét, dặn dò học sinh, còn các em dường như cũng ý thức được, quay vào phòng. Lúc ấy cô cũng không cầm được nước mắt, và thấy mình đã quyết định đúng khi vào cùng với học sinh.

Quyết định dũng cảm của cô giáo trẻ

Hà Thị Kim (SN 1996) là cô giáo trẻ người Thái, mới vào ngành được 3 năm. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học (Trường ĐH Vinh), Kim vui mừng khi được quay về bản làng của mình dạy học, tại Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Kim được phân công dạy học lớp 1 – thời điểm bắt đầu triển khai chương trình GDPT 2018. Lãnh đạo trường vùng biên này kỳ vọng, cô Kim cùng với các giáo viên trẻ khác sẽ bắt kịp đổi mới của giáo dục, dạy học cho những đứa trẻ người Thái, Khơ Mú.

Cô Kim đo thân nhiệt cho học sinh thuộc diện F1
Cô Kim đo thân nhiệt cho học sinh thuộc diện F1

Nhưng năm học 2021-2022 này bắt đầu không giống như những năm trước, với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt khi có 2 học sinh ở lớp 2A1 và 5A2 được xác nhận là F0, kéo theo đó là hơn 50 bạn khác trở thành F1.

Những đứa trẻ chưa từng biết phải tự lập, buộc phải vào khu cách ly tập trung mà không có người thân, bố mẹ bên cạnh chăm sóc. Trường Tiểu học Tri Lễ 1 kêu gọi giáo viên hỗ trợ học sinh. Lúc này, cô Hà Thị Kim đã xung phong tình nguyện vào khu cách ly cùng trò.

Trường Tiểu học Tri Lễ 1 từng có 2 học sinh là F0 và 52 học sinh F1.
Trường Tiểu học Tri Lễ 1 từng có 2 học sinh là F0 và 52 học sinh F1.

Với cô Kim, đây là quyết định không hề dễ dàng. “Bởi tuổi đời mình còn trẻ, chưa lập gia đình. Hơn nữa, thời điểm đó tôi chưa được tiêm vắc xin. Vào khu cách ly, chắc chắn sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nhưng tôi nghĩ đến học trò mình, các em còn quá bé và chưa biết gì, và hơn bao giờ hết đang cần sự chăm sóc”, cô giáo trẻ nhớ lại.

Cô Kim chỉ mang theo mấy bộ quần áo. Còn lại là vở, sách, và truyện để lũ trẻ đọc trong 2 tuần cách ly tại Trường Mầm non Tri Lễ.

 “Các em đang ngây thơ lắm, chưa hiểu hết chuyện gì xảy ra. Nhất là những bé lên lớp 2 còn không biết là mình đi cách ly, mà còn tưởng là được đến trường đi học, vì trước đó nghỉ hè quá lâu. Các em vừa đi vừa hát, vui vẻ. Chỉ đến khi buổi tối không được về nhà, mới bắt đầu khóc vì nhớ bố mẹ”, cô Kim kể.

Cô giáo trẻ, chưa lập gia đình đã có quyết định dũng cảm vào cách ly cùng học sinh F1, trong thời điểm bản thân chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Cô giáo trẻ, chưa lập gia đình đã có quyết định dũng cảm vào cách ly cùng học sinh F1, trong thời điểm bản thân chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Những ngày tiếp theo là trải nghiệm đặc biệt, không thể nào quên đối với cả cô và trò. Cô Kim nhớ mãi hình ảnh khi lên điểm danh phòng học cho học sinh lớp 2 ở tầng 2. Nhìn thấy cô giáo thân quen, lũ trẻ ùa ra đón, nhưng rồi đứng khựng lại trước cửa phòng cách ly. Cả cô và trò đều muốn ôm nhau, có em mếu máo khóc. Nhưng lúc ấy các em đã biết phải “giãn cách”, chỉ cứ thế đứng nhìn cô. Cô cũng phải đứng các xa 1 mét, động viên, dặn dò các em qua lời nói. Điểm danh xong, cô cũng không cầm được nước mắt.

Yên tâm khi có cô giáo bên cạnh con

Chị Hà Thị Tuyết có 2 con trai sinh đôi là Vi Tấn Tài và Vi Tấn Lộc (cùng học lớp 2A1, Trường Tiểu học Tri Lễ)  là F1 phải cách ly tập trung. “Những ngày đầu, mỗi lần gọi điện cả 2 đều khóc, đòi về nhà. Tôi cũng muốn vào với con mà không được. Cả 2 đứa trong khu cách ly, chưa bao giờ phải xa bố mẹ cả. Đến khi biết tin cô giáo Kim vào cách ly cùng các con, tôi mới yên tâm, đỡ lo hơn nhiều”, chị Tuyết nói.

Có 52 học sinh là F1 của Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An phải cách ly tập trung
Có 52 học sinh là F1 của Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An phải cách ly tập trung

Mẹ của 2 cậu bé sinh đôi 7 tuổi cũng cho biết, sau khi có cô giáo vào, mỗi lần gọi điện, con nói đang học bài, đọc sách với cô. Con không tiếp xúc gần với bạn, chỉ nói chuyện từ xa, khoe ăn cơm mỗi ngày 3 bữa và còn biết dặn ngược lại “mẹ không phải lo mô”.

Theo lời cô Kim, thời gian ở trong khu cách ly cũng có nhiều tình huống phát sinh. Có em bị đau bụng, cô phải thức xoa dầu, cho uống thuốc, động viên cả đêm. Hay em Lô Kiều Oanh có bố mất sớm, mẹ lấy chồng xa, ở với ông bà. Ngày nào cô bé cũng khóc, cho đến khi cô giáo nhờ người cho ông bà của Oanh mượn điện thoại, gọi video vào em mới đỡ tủi thân.

Cô Kim thường xuyên động viên các em học sinh mỗi lúc buồn, nhớ nhà, nhớ bố mẹ trong thời gian cách ly.
Cô Kim thường xuyên động viên các em học sinh mỗi lúc buồn, nhớ nhà, nhớ bố mẹ trong thời gian cách ly.

Ngoài việc dặn dò học sinh thực hiện 5K, thì cô Hà Thị Kim còn dạy các em biết tự lập như bung màn, gấp chăn, gấp quần áo, giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời tranh thủ thời gian dạy phụ đạo, ôn lại kiến thức cũ cho các em. Đặc biệt trẻ dân tộc thiểu số lớp 1, sau thời gian nghỉ hè dài, sẽ quên mất tiếng Việt, cần phải bổ trợ thêm.

Xa nhà lâu ngày, mỗi buổi đêm, các em lại nhớ bố mẹ, hỏi cô bao giờ được về nhà. Những lúc này, cô chỉ biết động viên “các em ngoan, chịu lấy mẫu xét nghiệm, là sẽ được về nhà. Cứ hẹn học trò như vậy, chứ cô cũng mong từng ngày an toàn, hết hạn cách ly”.

An toàn, sức khỏe của học sinh và giáo viên là trên hết

Gia đình cô giáo trẻ cũng rất lo lắng trước quyết định của con. Ông Hà Công Đoàn (bố cô Kim) chia sẻ: “Khi con báo tin sẽ đến trường cách ly cùng các cháu F1, tôi lo lắm. Nhưng khi nghe Kim nói “con thương bọn trẻ quá”, thì tôi chỉ biết ủng hộ và dặn dò con cố gắng giữ sức khỏe. Làm cô giáo là ước mơ từ nhỏ của Kim. Tôi cũng tự hào khi con gái đi học, rồi quay trở về xã dạy học. Chăm lo cho bọn trẻ, cũng là trách nhiệm của người làm cô giáo”.

Các học sinh là F0, F1 Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã khỏe mạnh, đi học trở lại bình thường, và đảm bảo 5K phòng dịch.
Các học sinh là F0, F1 Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã khỏe mạnh, đi học trở lại bình thường, và đảm bảo 5K phòng dịch.

Theo thầy Nguyễn Minh Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cho biết, năm học 2021-2022 bắt đầu không chỉ rất vất vả với học sinh, giáo viên xã biên giới này, mà còn là thử thách đặc biệt với chính mình. Bởi thầy vừa nhận quyết định thuyên chuyển từ Trường Tiểu học Tiền Phong 1 sang làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1.

Đó cũng là những ngày thầy Hòa ăn ngủ không yên, ruột gan như lửa đốt, điện thoại mở 24/24. “Ý tưởng đưa cô giáo vào cách ly cùng học sinh là tôi đưa ra, vì các cháu mới học lớp 2, lớp 5 chưa tự lo liệu ăn ở sinh hoạt. Mà quản lý, nhắc nhở học sinh thực hiện 5K, an toàn cách ly thì chỉ có giáo viên mới làm được, chứ phụ huynh không làm được”, thầy Hòa cho biết.

Cô Hà Thị Kim trong kho đựng lúa được gia đình cải tạo để tiếp tục tự cách ly 7 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung với học sinh.
Cô Hà Thị Kim trong kho đựng lúa được gia đình cải tạo để tiếp tục tự cách ly 7 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung với học sinh.

Ban đầu, nhà trường cân nhắc đưa giáo viên chủ nhiệm năm nay của các em vào cùng cách ly. Nhưng do dịch bệnh, năm học này các em không có ngày tựu trường, khai giảng trực tiếp. Học sinh chỉ mới gặp giáo viên chủ nhiệm mới trong buổi tập trung sáng 6/9. Vì thế, cô Hà Thị Kim và cô Hà Thị Dung – giáo viên chủ nhiệm cũ - là người thân thiết, gần gũi, biết rõ hoàn cảnh, tính cách của từng em để có thể chia sẻ, động viên, quản lý học sinh.

“Thật may, sau 14 ngày, cả cô lẫn trò đều an toàn. Các em học sinh F0 cũng đã khỏi bệnh và trở về học tập bình thường. Đó là chiến thắng to lớn, quan trọng nhất của trường trong năm học này. Bởi quan trọng nhất là an toàn, sức khỏe của học sinh và giáo viên”, thầy Nguyễn Minh Hòa nói.

Sau 14 ngày cách ly an toàn, không có ca F0 mới, cô Hà Thị Kim và 52 học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1 được trở về nhà. Nghe tin này, bố mẹ cô Hà Thị Kim đã dọn dẹp kho chứa lúa ở dưới chân nhà sàn làm nơi cho con gái... tiếp tục tự cách ly 7 ngày nữa. "Tôi không được lên nhà sàn, mà về tới nơi là vào thẳng kho đựng lúa được bố sửa lại để cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Đồ đạc, sách vở, máy tính của em cũng được được chuyển xuống dưới. Đây cũng là kỷ niệm đặc biệt với tôi, và thấy gia đình mình rất có ý thức phòng dịch bệnh Covid-19", cô giáo trẻ vui vẻ kể lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.