Bám trường nơi rẻo cao

GD&TĐ - Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, Nghệ An) là trường vùng cao với “đặc sản” không điện, không đường, không chợ, không… cô giáo. Trò chuyện với các thầy Trường Tiểu học Tri Lễ 4, chúng tôi cảm thấy chẳng ai nói nhiều về mình, mọi sự quan tâm đều hướng về HS.  

Lớp học chỉ có vài HS ở điểm trường Nậm Tột, nhưng cả thầy và trò vẫn luôn chuyên tâm với hành trình “nuôi” con chữ
Lớp học chỉ có vài HS ở điểm trường Nậm Tột, nhưng cả thầy và trò vẫn luôn chuyên tâm với hành trình “nuôi” con chữ

Các thầy tâm sự: “Tri Lễ 4 đã nhiều lần lên sóng trên tivi, có mặt ở khắp báo đài. Nhưng sau những phút giây vinh danh đó, hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi lại trở về nhiệm vụ dạy học vẫn là quan trọng nhất”.

Chữ và xe qua suối đến trường

Vẫn giọng nói từ tốn, ngắn gọn, thật thà, thầy Lang Văn Nhàn (Hiệu trưởng Tiểu học Tri Lễ 4, Quế Phong, Nghệ An) cười hiền lành khi tôi hỏi: “Thầy vẫn ở trong Tri Lễ 4 ạ?” - “Ồ, vẫn chạy được xe máy tốt, cấp trên đang giao nhiệm vụ trong này, bà con chưa cho ra vùng thuận lợi nên chưa đi được. Còn nhiều việc dang dở lắm. Nhưng năm nay mưa nhiều quá nên vất vả hơn”…

Thầy Nhàn năm nay đã hơn 50 tuổi. Cái tuổi dường như đã quá sức với thử thách của con đường vào Trường Tiểu học Tri Lễ 4 - nơi có 6 điểm trường nằm tại 6 bản Mông: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mới 2, Huồi Mới 2. Mỗi điểm trường cách nhau hàng chục km đường rừng. Thế nhưng với các giáo viên trẻ, thầy lại luôn là chỗ dựa, về mặt tinh thần, chuyên môn và cả dày dạn kinh nghiệm trong cuộc sống.

Năm học 2018 - 2019 của các thầy Trường Tiểu học Tri Lễ 4 bắt đầu bằng những cơn mưa rừng liên tiếp. Con đường vốn chẳng phải là đường, mà chỉ là lối mòn vắt từ ngọn núi này qua ngọn núi khác nay bị sạt lở, lầy như ruộng và trơn trượt. Các thầy đã dùng xích quấn quanh lốp nhưng có nhiều đoạn vẫn không đủ ma sát để bám đường. Cách duy nhất là buộc dây thừng, người kéo phía trên, người đẩy phía dưới.

Hết đường lầy lội lại đến suối cắt ngang, chỉ có cách “cõng” xe qua
 Hết đường lầy lội lại đến suối cắt ngang, chỉ có cách “cõng” xe qua

“Trời mưa nên nước suối dâng cao, có đoạn chảy xiết tràn qua đường, nhưng không đi thì chẳng còn cách nào khác. Vậy là dừng lại, chặt tre làm cáng, rồi khiêng xe qua. Trên đường vào trường, nước lũ chảy mạnh cũng cuốn trôi cầu bằng gỗ bắc qua suối. Bây giờ thì dân bản đã làm lại cầu rồi, và thu phí mỗi lần đi qua là 10.000 đồng” - thầy Sáng, giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết.

Ngày thường phải mất 3 tiếng đồng hồ để đi từ ngã ba Châu Thôn (nơi có đường nhựa - PV) để ngược lên bản Mường Lống - điểm trường chính Tiểu học Tri Lễ 4. Nhưng thời tiết mưa liên tục như vậy, vừa đi, vừa lội, vừa cõng xe, phải hơn nửa ngày mới vào đến nơi. Dù vậy, toàn bộ các thầy giáo vẫn “điểm danh” trả phép đầy đủ sau hè, để bắt tay vào chuẩn bị cho năm học mới. Không như các trường dưới xuôi, ở đây, nơi không điện, không đường, không chợ, sóng điện thoại chập chờn… mọi thông tin liên lạc đều không hiệu quả bằng trực tiếp. Phải có thầy giáo đến đánh trống trường báo hiệu, có thầy đến từng nhà gọi HS đến lớp, có thầy phát từng cuốn sách, quyển vở… thì lúc ấy mới có năm học mới bắt đầu.

Cứ vào mỗi mùa mưa như hiện nay, đường đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4 trở thành thử thách gian nan đối với thầy và trò
Cứ vào mỗi mùa mưa như hiện nay, đường đến Trường Tiểu học Tri Lễ 4 trở thành thử thách gian nan đối với thầy và trò

Nhìn thấy học sinh đến là mừng

Năm học này, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 giảm 4 lớp so với năm học trước. Lý do vì sĩ số HS giảm. “Những năm trước có một số em theo bố mẹ di cư sang Lào quay về bản cũ, nên số lượng HS có tăng. Nhưng gần đây, nhận thức bà con tốt hơn, việc di cư giảm dần. Bà con cũng ý thức được việc đông con vất vả nên sinh đẻ ít hơn. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn các bản cách nhau quá xa, không có đường giao thông thuận lợi, vì thế trường vẫn giữ nguyên các điểm lẻ, chỉ thực hiện ghép lớp ở các bản Nậm Tột, Huồi Xái 2, Huồi Mới 1”, thầy Lang Văn Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Điểm trường Nậm Tột năm học 2018 - 2019 có 4 lớp, trong đó có một lớp ghép 1 - 2. Thầy Lỳ Bá Cử là một thầy giáo người Mông dạy học tại Nậm Tột đã 3 năm nay tâm sự: “Ngày xưa nhà mình ở Nậm Tột này”, Cử nói. Sinh ra trên rẫy, lớn lên cũng trên rẫy, Cử cũng như nhiều đứa trẻ khác trong bản, lớn lên học leo núi, săn thú rừng chứ không biết cái chữ là gì. Mãi đến khi lên 10 tuổi, thầy Cử mới đi học lớp 1, cũng là nhờ thầy cô giáo lên tận rẫy đến vận động mãi. Thế mà Cử đi học rồi theo ngành sư phạm và bây giờ đã thành thầy giáo, quay về bản dạy học”.

Năm nào cũng vậy, nhiệm vụ quen thuộc và không thể thiếu là đến nhà dân bản vận động cho trẻ đi học. “Nhiều nhà lấy lý do vì khó khăn, nghèo quá nên không cho con đi học. Cũng có nhà thì chỉ cho con trai đi học thôi, còn con gái thì không cho đi học vì đằng nào cũng lấy chồng. Lúc ấy, mình phải nói cho bố mẹ hiểu con cái tuổi còn nhỏ, không được đi học là thiệt thòi. Trách nhiệm của bố mẹ là phải lo cho con sau này đỡ khổ. Dù sau này ở nhà làm nông nghiệp, chăn nuôi thì cũng phải có một chút kiến thức thì sản xuất mới hiệu quả. Xã hội bây giờ phát triển, con cái không đi học, nếu có giấy mời, hay thông báo gì mà cũng không biết đọc, biết viết thì tội con…”, thầy Cử kể.

Những em HS ở gần bản ngay nơi điểm trường đóng thì thuận tiện hơn với con đường khô ráo đến lớp

Những em HS ở gần bản ngay nơi điểm trường đóng thì thuận tiện hơn với con đường khô ráo đến lớp

Thầy Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 - cho biết thêm: Năm nay toàn trường có tất cả 353 HS. Có một số phụ huynh năm trước đi làm rẫy xa đem con cái theo, năm nay quay về đến trường xin cho con đi học lại. Nhà trường thì cứ có học trò xin đi học là mừng lắm, tạo điều kiện cho các em học ngay. Bám bản dạy học ở vùng cao, không phải cứ vận động, nói chuyện một lần là bà con nghe theo. Cái gì cũng cần có thời gian, và sự kiên trì của các thầy giáo. So với thời mới lên nhận công tác tại Tri Lễ 4, bây giờ nhận thức bà con đã thay đổi nhiều lắm rồi, tỷ lệ huy động trẻ đúng độ tuổi đến lớp đầy đủ…

Tiểu học Tri Lễ 4 kể từ khi thành lập vào năm 1982 đến nay không cô giáo vì quá khó khăn thiếu thốn, nhưng trò chuyện với các thầy, chẳng ai nói nhiều về mình, mọi sự quan tâm đều hướng về HS. Các thầy tâm sự: Tri Lễ 4 đã nhiều lần lên sóng trên tivi, có mặt ở khắp báo đài. Nhưng sau những phút giây vinh danh đó, hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi lại trở về nhiệm vụ dạy học vẫn là quan trọng nhất.

Dịp đầu năm học mới, nhiều nhà hảo tâm muốn hỗ trợ, tiếp sức cho Tri Lễ 4, hỏi các thầy: Muốn điều gì nhất? Dường như không phải suy nghĩ, câu trả lời chung là: Mua vở cho HS! Có lẽ, đó cũng chính là câu trả lời cho suốt hơn 30 năm qua, ngôi trường ở rẻo cao xứ Nghệ này cứ thế vượt khó, vượt khổ đón chào bao thế hệ HS biết đọc, biết viết, biết những bài học làm người đầu tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.