Xồng Bá Dần “hứng sóng” đón buổi học trực tuyến đầu tiên

GD&TĐ - Cuộc gặp đầu tiên của cô Lữ Thị Thanh Hải với học trò Xồng Bá Dần và Xồng A Thành sau gần 2 tháng tìm kiếm, là cuộc điện thoại gọi từ đỉnh núi vùng biên giới xa xôi.

Xồng Bá Dần và Xồng A Thành học trực tuyến trên lán tạm ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Xồng Bá Dần và Xồng A Thành học trực tuyến trên lán tạm ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Đó là nơi “hứng sóng” mà ông bố người Mông lặn lội tìm được, dựng lán cho con học trực tuyến ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Cuối cùng, cô cũng đã được thấy 2 cậu học trò cuối cùng trong lớp 6A1 Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong. Bức ảnh chụp 2 cậu học trò nhỏ con, mặc quần áo sạch sẽ, mang theo sách vở, ngồi giữa một cái chòi dựng chênh vênh, xung quanh cây cối rậm rạp và bên cạnh là chiếc điện thoại khiến cô bật khóc.

Cuộc điện thoại từ đỉnh núi tìm cô học trực tuyến

Khoảng 8 giờ sáng, cô Lữ Thị Thanh Hải (GV Trường PT DTNT THCS Quế Phong, Nghệ An) nghe điện thoại đổ chuông. Nhìn tên người gọi đến là “phụ huynh của Dần”, cô Hải đã vỡ òa vì vui mừng, phấn khởi. Gần 2 tháng qua, cô chỉ chờ có cuộc điện thoại này!

Đó là người nhà của 2 em Xồng A Thành và Xồng Bá Dần, học trò lớp 61A mà cô Hải chủ nhiệm. Nhà 2 em lại ở bản Mường Lống, xã biên giới Tri Lễ, đường xa xôi hiểm trở, không có sóng điện thoại.

Từ bản ra trung tâm xã cũng phải đi xe máy mất gần nửa ngày, nếu thời tiết nắng ráo, không mưa. Trúng tuyển vào trường dân tộc nội trú của huyện, nhưng xã Tri Lễ đang thực hiện Chỉ thị 16 cả 2 chưa nhập học được. Qua ngày khai giảng, rồi đến khi cả lớp đã bắt đầu học trực tuyến hơn 1 tuần lễ, cô vẫn chưa có thông tin gì của 2 em.

Dù từ tháng 8, khi nhận danh sách lớp, cô đã ghi số điện thoại của mình, gửi cho người đi đường, buôn bán hay bất cứ ai lên Tri Lễ. Cô nhờ họ bằng cách nào đó, gửi tiếp đến người nhà của A Thành, Dần và nhắn gọi lại cho mình. Đến hôm nay, thì cô đã chờ được, đầu dây bên kia là Xồng Bá Tủa – bố Dần - cất tiếng hỏi rành rọt: “Chào cô giáo Hải, bố của A Dần nghe trưởng bản nói gọi lại cho cô”.

Gặp được phụ huynh, cô thông báo cho phụ huynh về kế hoạch dạy học trực tuyến của nhà trường. Nhưng ở Tri Lễ biệt lập, khó khăn như vậy, cô không biết liệu gia đình có điều kiện cho cháu tham gia được hay không. Một lần nữa, vị phụ huynh người dân tộc Mông lại làm cô bất ngờ, khi nói ngay: “Học được, cô bày cho cháu cách vào học với. Bố nhường máy điện thoại cho Dần với bạn là A Thành học”. Cô hỏi lại: “Vậy bố có thể chụp cho cô nơi học tập của 2 bạn được không”?

Sau đó, hình ảnh mà cô nhận được, là 2 cậu học trò mặc quần áo sạch sẽ, mang theo sách vở, ngồi giữa một cái chòi dựng chênh vênh, xung quanh cây cối rậm rạp. Bên trên là tấm bạt để che nắng, che mưa. Thì ra, sau khi nghe trưởng bản nhắn, bố của Xồng Bá Dần chưa gọi ngay cho cô giáo, mà đã lặn lội đi tìm chỗ học cho con.

Bởi ở bản Mường Lống này, phải lên tận núi cao mới có sóng điện thoại, nhưng cũng chập chờn. Anh Xồng Bá Tủa mang dao rựa, ra phía bìa rừng dựng lán, thử sóng liên lạc ổn định, sau đó đưa cả A Thành và Dần... đi học. Chuẩn bị đầy đủ rồi, anh Tủa mới gọi cho cô giáo. “Lúc nhận được ảnh của Xồng A Thành và Xồng Bá Dần, lần đầu tiên nhìn thấy học sinh của mình, mà các em đã ngồi vào lán, chờ được học, tôi chỉ biết bật khóc, nước mắt cứ thế trào ra không kìm được”, cô Hải xúc động kể lại.

Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong đến nhà tặng quà động viên học sinh đầu cấp khó khăn.
Giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong đến nhà tặng quà động viên học sinh đầu cấp khó khăn.

Buổi học trực tuyến đầu tiên giữa núi rừng

Cô Hải tâm sự, suốt thời gian qua, trong khi nhiều người ở vùng thuận lợi hơn viện đủ mọi lý do để kêu khó khăn, bất cập dạy học online thì ở cái biên giới xa xôi hẻo lánh nhất, không điện, đường, phải leo tới tận bìa rừng tìm sóng, thì phụ huynh không hề một lời than vãn. Bố của A Dần chỉ nhờ cô bày cho các con cách làm thế nào để học. “Điều đó khiến một giáo viên đã nhiều năm gắn bó với học sinh DTTS như tôi thấy ấm lòng vô cùng. Lần đầu tiên, thay vì cô đi tìm trò, tìm phụ huynh, thì phụ huynh đã tìm được cô”, cô giáo trải lòng.

Ngay sau khi liên lạc được với cô giáo, A Thành và Bá Dần cũng vào học buổi đầu tiên giữa núi rừng, qua chiếc điện thoại di động nhưng phải đặt cố định 1 chỗ tránh “rớt sóng”. Anh Xồng Bá Tủa còn cẩn thận nhờ một thanh niên ở trong bản – thạo sử dụng điện thoại - đi cùng để nghe cô giáo truyền đạt cách cài đặt phần mềm, vào lớp học qua hệ thống LMS. Đồng thời hứa mỗi buổi học sẽ đi theo Thành và Dần để đăng nhập giúp vào lớp, cho đến khi 2 bạn thông thạo mới thôi.

Trái với lo ngại của cô giáo, buổi học đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Hai bạn nhập lớp muộn hơn 1 tuần, nhưng đầy hào hứng, thích thú. A Thành và Dần cũng đã làm quen với các bạn trong lớp và học trọn vẹn 1 buổi không bị “out” ra ngoài.

Theo lời cô Hải, là giáo viên chủ nhiệm, nên trước khi năm học mới bắt đầu, cô đã tìm cách gửi sách giáo khoa về cho học sinh. Với lớp 6 lại càng quan trọng, bởi các em học chương trình mới, sách nhà trường phải đặt mua mới có. Không như học sinh lớp 7, 8, 9 có sách vở của các anh chị khóa trước để lại. Nhưng đặc thù trường dân tộc nội trú, học sinh trong lớp đến từ nhiều xã khác nhau, có nơi cách xa trường 60 – 70km.

Việc gửi sách bình thường đã vất vả, trong điều kiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 càng khó khăn hơn. Cô Hải chia sẻ: “Những trường hợp như em Thành và Dần, cô gửi sách mà không biết được qua tay bao nhiêu người, có bị thất lạc môn nào không, đã tới tay học sinh hay chưa. Đến khi nhìn thấy hình ảnh học của 2 em trong cái lán giữa rừng, có mang theo SGK các môn học, càng khiến tôi vui mừng, cảm động. Những nỗ lực của cô, và quyết tâm của trò cũng đã có kết quả”.

Trong điều kiện dịch bệnh, học sinh chưa thể tới trường, thầy cô giao sách giáo khoa về bản cho học sinh.
Trong điều kiện dịch bệnh, học sinh chưa thể tới trường, thầy cô giao sách giáo khoa về bản cho học sinh.

Khát khao của những đứa trẻ vùng biên

Trước đó, Xồng Bá Dần và Xồng A Thành là học sinh của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 – ngôi trường nhiều “không” bậc nhất xứ Nghệ: Không điện, không giao thông thuận lợi, không sóng, không chợ và cả không cô giáo. Theo giáo viên chủ nhiệm cũ năm lớp 5, cả Dần và Thành đều là con hộ nghèo. Nhưng hai bạn rất ham học, học giỏi so với các bạn trong lớp và đã biết nói khá thành thạo Tiếng Việt.

Riêng A Thành có hoàn cảnh éo le vì bố đang phải thi hành án. Một mình mẹ Thành cần mẫn trên nương rẫy, có mùa thiếu thốn quay quắt, nhưng quyết tâm không để con thất học. Thành là con trai út, ở trên là 2 chị gái vẫn đang đến trường – điều mà không phải gia đình người Mông nào ở nơi tận cùng núi, thượng nguồn con khe có thể làm được. Còn Xồng Bá Dần thì gặp một tai nạn lúc nhỏ, đến giờ vẫn còn vết sẹo do bỏng để lại. Sức khỏe yếu hơn so với các bạn nhưng em chưa nghỉ học buổi nào.

Cũng với sự ham học và thành tích tốt, mà cả 2 cùng trúng tuyển vào Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong. Con đường đi học của 2 em sắp tới sẽ rất xa, nhưng rất nhiều điều mới mẻ chờ đợi. Thầy Vi Thái Hoàng – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nhớ lại: “Khi 2 bạn còn học tiểu học đã có thành tích nổi trội, chuyên cần, ngoan ngoãn. Mỗi lần gặp, thầy hỏi hết lớp 5 thì có đi học tiếp hay không? cả hai đều quyết tâm: “Dù phải đi bộ, lội suối cũng phải đi học”!

Những ngày qua, khi dịch bệnh tại huyện vùng cao Quế Phong vẫn đang phức tạp, học sinh chưa thể đến trường mà phải học trực tuyến. Trong khi nhiều bản làng vùng sâu biên giới không có thiết bị và sóng để học tập. “Vì vậy, khi nhìn thấy các cô Trường DTNT Quế Phong chia sẻ hình ảnh 2 em học sinh cũ của trường dựng lán học trực tuyến, tôi cũng thấy rất vui mừng. Tôi mong với sự nỗ lực, ham học đó, các em có thể học hỏi được thêm nhiều điều ở ngôi trường mới, khi bắt đầu rời khỏi bản làng, bạn bè, thầy cô quen thuộc”, thầy Hoàng chia sẻ.

Với sự tham gia của Xồng A Thành và Xồng Bá Dần, lớp 6A1 – Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong đã đạt tỷ lệ 100% HS học trực tuyến với 35/35 em. Cô Lữ Thị Thanh Hải cũng cho biết, ngoài Dần và Thành ở Tri Lễ, trong lớp còn có 2 bạn khó khăn, không có sóng điện thoại để học trực tuyến.

Đó là em Hà Thị Ngọc ở bản Na Sành (xã Tiền Phong) và Na Tình (xã Nậm Giải). Trước đó, cô cũng bằng cách gửi số điện thoại của mình về bản, và đã được phụ huynh liên lạc lại trước ngày 5/9. Mỗi ngày, hai bạn được bố mẹ chở đến nhà người quen ở vùng có sóng để tham gia học trực tuyến, xong thì mới về nhà.

Cô Nguyễn Kim Ngân – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Quế Phong cho hay, hiện trường vẫn đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Vì vậy, từ 6/9 đến nay, toàn trường triển khai dạy học trực tuyến trên hệ thống LMS.

Tuy nhiên, qua thống kê đến ngày 16/9, tỷ lệ học sinh tham gia liên tục các buổi học đều đạt trên 90%. Đây là tỷ lệ bất ngờ đối với ngôi trường huyện biên giới có học sinh nằm rải rác ở 13 xã. Đặc biệt, trong tuần đầu tiên, khối 6 lại có tỷ lệ tham gia học đông đủ nhất. Dù các em mới vào đầu cấp, phần lớn hoàn cảnh khó khăn, vất vả.

“Đây cũng chính là động lực để nhà trường, các thầy cô giáo tiếp tục dạy học trực tuyến. Dù chất lượng còn hạn chế, nhưng quan trọng nhất là học sinh được gặp nhau, gặp thầy cô, có nề nếp, duy trì thói quen học tập. Những kiến thức còn lại, ngay khi trường học hoạt động bình thường, chúng tôi sẽ bù đắp cho các em. Kể cả dạy 2 – 3 ca/ngày thì giáo viên cũng không quản ngại”, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.