Kênh trực tuyến tạo không gian chia sẻ và lan tỏa các vấn đề về giáo dục tiểu học, chuyển đổi số gắn liền với nền tảng khoa học giáo dục và khoa học sư phạm.
Không làm thay giáo viên
- Thưa GS, Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học được xây dựng và triển khai dựa trên ý tưởng nào?
- Trong hai năm học gần đây, đại dịch Covid-19 làm thay đổi mạnh mẽ các hoạt động dạy - học và giáo dục ở các cấp. Hệ thống giáo dục đã và đang tìm cách thích ứng thông qua quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh bậc tiểu học, nhất là vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn. Bối cảnh này nảy sinh những câu hỏi khiến người làm giáo dục phải trăn trở như: Học sinh lớp 1 và 2 học thế nào? Giáo viên thực hiện dạy - học ra sao? Cha mẹ phải làm gì để việc học tập và giáo dục trực tuyến có hiệu quả.
Năm học 2021 - 2022 bắt đầu triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và là năm thứ hai triển khai chương trình giáo dục mới ở lớp 1, với nhiều nội dung và phương pháp mới. Vì vậy, khó khăn với bậc giáo dục tiểu học không chỉ là vấn đề dạy học và giáo dục trực tuyến, mà cả những vấn đề liên quan đến triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới.
Với vị thế tiên phong trong hệ thống giáo dục quốc gia, ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học trên tinh thần thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam đi từ những nền tảng cơ bản của giáo dục tiểu học.
- Vậy kênh này sẽ hướng đến đối tượng nào, thưa GS?
- Trước tiên, chúng ta cần làm rõ một điểm: Mặc dù tên gọi là “Kênh trực tuyến”, nhưng không có nghĩa nó chỉ hỗ trợ “dạy - học trực tuyến”, mà đây là kênh để hỗ trợ các nghiệp vụ dạy - học và giáo dục trực tiếp cho giáo viên cũng như cha mẹ học sinh.
Kênh được xây dựng theo triết lý “giáo dục toàn diện” về mặt nội dung. Tức là, không chỉ hỗ trợ các kỹ năng, nghiệp vụ để dạy kiến thức, mà còn cung cấp, hỗ trợ các nghiệp vụ giúp trẻ phát triển về thể chất, thẩm mỹ… Tính “toàn diện” còn thể hiện ở việc: Kênh này không chỉ tập trung vào hỗ trợ nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho giáo viên mà cả cha mẹ học sinh. Bởi vì, theo ngạn ngữ châu Phi “cần cả một làng để giáo dục một đứa trẻ”. Do đó, đối tượng hướng tới của Kênh là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.
Tuy nhiên, Kênh này cũng không làm thay giáo viên hay cha mẹ, cũng không thay thế các nền tảng hỗ trợ chuyên môn đã có của Bộ GD&ĐT (như trong hệ thống dự án ETEP), mà đóng vai trò bổ sung.
Xây dựng cộng đồng học tập
- Cụ thể hơn, Kênh sẽ hỗ trợ giáo viên những gì?
- Như trên tôi đã nói, dù không có đại dịch Covid-19, việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới cũng khiến nhiều giáo viên lúng túng, rất cần hỗ trợ. Bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số càng làm cho nhu cầu này cấp thiết hơn.
Thông qua Kênh, các giáo viên tiểu học sẽ được hỗ trợ đồng thời theo hình thức livestreaming, thảo luận trực tiếp, hoặc thông qua các tài nguyên mà kênh sản xuất hoặc khai thác. Nhờ đó, giáo viên tiểu học thích ứng tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng sư phạm, công nghệ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh ở môi trường trực tuyến hay trực tiếp.
Kênh cũng sẽ cung cấp các giải pháp hỗ trợ phối hợp với cha mẹ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo trong dạy học trực tuyến, góp phần triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học cho các lớp 1 - 2 năm học 2021 - 2022 cũng như việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.
Để xây dựng và duy trì nền tảng tư liệu, học liệu hữu ích về hỗ trợ giáo dục tiểu học, Trường ĐH Giáo dục đã huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong đó, có nhiều người tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình chi tiết môn học và viết sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kênh còn có nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên: Phát triển các kỹ năng sư phạm, xây dựng thiết kế bài giảng hiệu quả; kỹ năng tổ chức, quản lý lớp học trong bối cảnh chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, Kênh cũng là một mạng lưới giúp kết nối giáo viên với giáo viên, các chuyên gia giáo dục, nhà trường, đơn vị, cá nhân quan tâm đến giáo dục tiểu học. Từ đó, xây dựng “cộng đồng học tập cho giáo viên tiểu học”. Thông qua Kênh, các giáo viên bậc tiểu học sẽ thích ứng nhanh và nâng cao kỹ năng dạy học, đảm bảo được chất lượng đào tạo trong dạy học trực tuyến.
Làm giàu dữ liệu nội sinh
- Nhiều người băn khoăn về nghiệp vụ sư phạm của giáo viên khi dạy học trực tuyến. Các nhà chuyên môn của ĐH Quốc gia Hà Nội có ý kiến gì về việc này?
- Dạy học trực tuyến với học sinh lớn (trên 9 tuổi) đã khó, với học sinh nhỏ tuổi (lớp 1 - 2) càng khó. Tuy nhiên, dịch bệnh khả năng còn kéo dài. Chuyển đổi số là tất yếu, không phải giải pháp tạm thời. Việc dạy học, giáo dục trực tuyến không nên hiểu máy móc là chỉ thực hiện trên Internet. Mà nó cần phải thực hiện trên nhiều nền tảng như: Internet, truyền hình, radio, mạng xã hội, thư tín, văn bản; kết hợp trực tuyến và trực tiếp (blended learning).
Một số giáo viên có phản ánh những khó khăn về thiết bị học trực tuyến. Tuy nhiên, Kênh chỉ tập trung hỗ trợ nghiệp vụ, còn việc hỗ trợ các thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh khó khăn, Thủ tướng phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ để mọi học sinh đều được tiếp cận công bằng với giáo dục.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến. Giáo viên phải được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến. Cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.
Ở những nơi phải tổ chức học tập trực tuyến, nhà trường cần tổ chức lại thời khóa biểu một cách khoa học, phù hợp tâm lý lứa tuổi, sức khỏe trẻ em và đặc trưng học tập trực tuyến; bảo đảm thời lượng dạy học mỗi phiên, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, không gây áp lực đối với học sinh. Ví dụ, không nên học quá 20 phút một phiên và không quá 120 phút/ngày.
Đối với các lớp 1 - 2, bên cạnh việc ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và Toán giúp học sinh hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định, cần phối hợp với hoạt động thể chất và lồng ghép trò chơi trong các tiết học; sắp xếp chủ đề học tập, kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, nhà trường cần phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Các trường cũng có thể phối hợp với địa phương để có các phương án dự phòng như dạy học những nội dung phù hợp qua sóng phát thanh ở vùng sâu, vùng xa.
- ĐH Quốc gia Hà Nội kỳ vọng gì khi xây dựng Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học?
- ĐH Quốc gia Hà Nội luôn thực hiện vai trò, vị thế là đại học tiên phong trong việc hỗ trợ hệ thống giáo dục quốc dân, các trường đại học, đội ngũ giảng viên, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ở mọi cấp học, nhằm mục đích góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học đã ra mắt và đi vào hoạt động tại địa chỉ: https://hotrotieuhoc.vnu.edu.vn. Kênh sẽ hoạt động thường xuyên, liên tục ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học được phát triển trên tinh thần trách nhiệm giáo dục và chia sẻ xã hội theo hướng nền tảng giáo dục mở, làm giàu dữ liệu nội sinh bằng cách thu hút sự đóng góp của chuyên gia giáo dục, giáo viên và các lực lượng xã hội khác.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!