Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022

GD&TĐ - Thực hiện Chỉ thị số 800 và Quyết định số 2551 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.

Học sinh lớp 1, 2 triển khai thực hiện CT, SGK mới ở năm học 2021 - 2022.  Ảnh minh họa
Học sinh lớp 1, 2 triển khai thực hiện CT, SGK mới ở năm học 2021 - 2022. Ảnh minh họa

Theo đó, bên cạnh 4 nhiệm vụ chung thì đồng thời hướng dẫn 4 nhiệm vụ cụ thể đó là: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;

Điều kiện đảm bảo đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục tiểu học.

Một số nhiệm vụ đáng chú ý của giáo dục Tiểu học trong buối cảnh dịch Covid-19 được Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể:

Tạm dừng đến trường không dừng học

Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các CSGD chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng tâm thế vào học lớp 1 và duy trì việc học tập đối với học sinh lớp 2;

Chủ động khảo sát, nắm bắt thông tin đầy đủ về đối tượng học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 trên địa bàn để tham mưu chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với học sinh gặp khó khăn, gia đình không thể hỗ trợ các em học tập trong thời gian ở nhà; sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng học sinh gặp khó khăn.

Tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các CSGD phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến;

Giáo viên được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà;

Thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với học sinh;

Ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.

Ưu tiên dạy học Tiếng Việt và Toán cho HS lớp 1. Ảnh minh họa
Ưu tiên dạy học Tiếng Việt  và Toán cho HS lớp 1. Ảnh minh họa

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định, các CSGD phối hợp cùng cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV7) xây dựng để giúp các em học sinh lớp 1 học phần Học vần môn Tiếng Việt được phát trên sóng (kênh) VTV7 và các ứng dụng khác bắt đầu từ ngày 6/9/2021;

Hướng dẫn giáo viên sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email … phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

Các Sở GD&ĐT sử dụng kho bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” và chủ động tổ chức xây dựng kho bài giảng dùng chung cho các môn học khác để tham mưu UBDN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phát sóng trên đài truyền hình địa phương với khung giờ phù hợp,

Tạo điều kiện thuận tiện cho cha mẹ học sinh hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình và gửi về các nhà trường để giáo viên gửi đến cha mẹ học sinh cùng phối hợp hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.

GIáo dục Tiểu học sẵn sàng dạy học với các phương án phù hợp. Ảnh minh họa
GIáo dục Tiểu học sẵn sàng dạy học với các phương án phù hợp. Ảnh minh họa

Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5: Sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung sẵn sàng tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành giáo dục.

Thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học. Tổ chức dạy học qua truyền hình, dạy học trực tuyến, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu, lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.

Các CSGD căn cứ vào Công văn số 2345 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và vận dụng hợp lý hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo Công văn số 1125 để điều chỉnh, thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện tinh giản và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp.

Trong trường hợp khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 được quy định tại Quyết định số 2551 không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục tổng hợp về Sở GD&ĐT để báo cáo Bộ GD&ĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương…

Tăng cường ứng dụng học liệu điện tử đối với HS tiểu học. Ảnh minh họa
Tăng cường ứng dụng học liệu điện tử đối với HS tiểu học. Ảnh minh họa

Ðổi mới tổ chức dạy học và đánh giá học sinh

Đối với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học Bộ GD&ĐT hướng dẫn cần thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học;

Triển khai giáo dục STEM, STEAM trong giáo dục tiểu học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Tiếp tục áp dụng một cách phù hợp mô hình trường học mới, triển khai dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột; thực hiện dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới; tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn trong trường và cụm trường; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học.

Trong đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đáng chú ý: Đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 thực hiện Chương trình GDPT 2006, tiếp tục được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 30 và Thông tư số 22 của Bộ GD&ĐT. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018, được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 27 của Bộ GDĐT.

Bộ GD&ĐT yêu cầu trên cơ sở những nội dung hướng và căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có những vấn đề vướng mắc, đề nghị các Sở GD&ĐT phản ánh về Bộ GDĐT để kịp thời giải quyết.

Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Thực hiện nghiêm túc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định, tránh tùy tiện, máy móc, khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.