Kê khai và công khai

GD&TĐ - Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, cán bộ, công chức... phải hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo Nghị định 130/2020 trước ngày 31/3.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nghị định 130 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và có hiệu lực từ ngày 20/12/2020. Tuy nhiên, do văn bản này có nhiều điểm mới, số lượng người phải kê khai nhiều nên việc thực hiện được dời sang năm nay.

Công khai, minh bạch trong kê khai tài sản được đánh giá là công cụ hữu hiệu nhất để phòng chống tham nhũng. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản đến tất cả cán bộ, công chức. Việc này nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.

Đáng chú ý, để kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn, thay vì ai cũng phải kê khai hàng năm như trước thì nay Phụ lục của Nghị định 130 liệt kê rõ 105 vị trí công việc, cán bộ, công chức từ phó phòng trở lên phải kê khai hàng năm. Các cán bộ, công chức còn lại chỉ kê khai lần đầu như hoạt động bình thường trong hồ sơ cán bộ, khi nào tài sản tăng thêm 300 triệu đồng mới cần khai bổ sung. 

Bởi việc kê khai tài sản, thu nhập đúng, đủ tới đâu chủ yếu phụ thuộc vào đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 đã quy định những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

Chẳng hạn, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến. Người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 rõ ràng có những điểm mới quan trọngđể buộc cán bộ phải kê khai tài sản trung thực hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể trông cậy hoàn toàn vào đạo đức công vụ.

Thực tế cho thấy những chiêu, trò che giấu tài sản để tránh bị phát hiện, tránh phải kê khai là muôn hình vạn trạng. Hơn nữa, ngay cả khi xác định được là có tài sản không rõ nguồn gốc thì việc truy tìm dấu vết tài sản được chuyển hóa như thế nào, chuyển cho ai, bằng cách nào vẫn là bài toán khó, chứ đừng nói đến việc thu hồi chúng.

Bên cạnh đó, việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập hiện thì vẫn thực hiện như trước, gồm 2 hình thức: Niêm yết tại nơi làm việc trong 15 ngày hoặc công khai tại cuộc họp. Nhìn lại thời gian qua, rất nhiều vụ lùm xùm về tài sản của quan chức đều do người dân và báo chí phát hiện.

Để việc minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực thi triệt để hơn và cũng là để phát huy sức mạnh nhân dân, cần thực sự trao cho người dân quyền tiếp cận thông tin - trước mắt là các bản kê khai tài sản để họ cùng Nhà nước giám sát các quan chức?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.