Trụ đỡ của nền kinh tế
Bày tỏ nhất trí với cần thiết xây dựng kế hoạch, các đại biểu cho rằng, thời gian qua do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế.
Với trị trí quan trọng này, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông qua cơ cấu lại ngành để ngành nông nghiệp thích ứng tốt hơn với những biến động của thị trường, khắc phục được tình trạng phát triển thiếu bền vững, quy mô nhỏ, manh mún…
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lưu ý, kế hoạch cần xác định rõ hơn các nhiệm vụ trọng tâm để có ưu tiên đầu tư nguồn lực, bảo đảm sự thực hiện thành công kế hoạch.
Đề cập đến nội dung về không gian tái cơ cấu, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, kế hoạch mới tập trung mạnh đến tái cơ cấu theo vùng trung tâm, đô thị, mà chưa có sự đề cập đến tái cơ cấu kinh tế không gian khu vực trung du, miền núi.
Đại biểu đề nghị, Chính phủ quan tâm đề ra các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này. Đồng thời, cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, gắn kế mạnh mẽ giữa xản xuất với chế biến, thiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở trong và ngoài nước.
Nhấn mạnh con người có ý nghĩa quyết định, đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) đề nghị, trong thực hiện tái cơ cấu cần có những giải pháp hiệu quả hơn nữa về công tác đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội mà cơ cấu dân số vàng của nước ta hiện nay mang lại. Đồng thời, phải từng bước hướng tới nền kinh tế số, chuyển đổi số, dựa mạnh vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, công tác dự báo là hết sức quan trọng, trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình để đề ra hướng đi, chiến lược đúng, chủ động ứng phó được với những tác động tiêu cực, các diễn biến phức tạp về kinh tế ở khu vực và trong nước cũng như chủ động, nắm bắt, tận dụng được tốt các cơ hội cho phát triển.
Thiếu những trụ cột để phát triển tự chủ và bền vững
Đánh giá cao báo cáo chi tiết của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, báo cáo thẩm tra của Quốc hội đảm bảo khách quan và khoa học; đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) – góp ý: Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn, kiến nghị Chính phủ bình ổn giá xăng dầu, việc giải ngân đầu tư công cũng cần tập trung xử lý.
Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ chi tiền cho đội phản ứng nhanh để giúp các tỉnh giải ngân đầu tư công, cũng như sớm hoàn thiện cơ chế hoàn thiện liên kết vùng cho hiệu quả, cần làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.
Tại Hội trường Diên Hồng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến, trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết phải cơ cấu lại vì phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối.
Đại biểu cho rằng, nền kinh tế đang thiếu những trụ cột để phát triển tự chủ và bền vững. Với mục tiêu đặt ra, Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, cần thiết phải có các tập đoàn mạnh không, chỉ trong nước mà còn khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu, đến nay hầu như chưa có trụ cột này. Vì vậy, chúng ta phải hình thành cơ chế để có những doanh nghiệp ở thế chủ động. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch cũng khiến chúng ta phải cơ cấu lại và cần thiết phải có cơ chế đột phá chứ không phải những biện pháp thông thường.