Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

GD&TĐ - 8 tháng đầu năm 2015, thu ngân sách đạt hơn 67% dự toán - tăng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng hơn 10%... là những số liệu khả quan mà nền kinh tế đã đạt được trong 8 tháng đầu năm. 

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Đồng thời, đây cũng là tiền đề để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 2015 đã đề ra, cũng như căn cứ để đưa ra kế hoạch năm 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015.

Tăng trưởng ổn định

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá dầu giảm mạnh so với dự toán và việc đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam giảm giá mạnh là những sự kiện kinh tế nổi bật đã, đang tạo ra những ảnh hưởng tới nền kinh tế nước ta. 

Trên thực tế, dự toán thu ngân sách Nhà nước cả năm 2015 là 911.000 tỷ đồng được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô bình quân là 100 USD/thùng. 

Thế nhưng, bình quân giá dầu thô 7 tháng qua chỉ đạt 60 USD/thùng, giảm 40% so với dự toán đã khiến nguồn thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô dự kiến hụt thu khoảng 32,5%.

Việc đồng NDT giảm giá gần 5% trong tháng 8 vừa qua dự kiến cũng sẽ khiến doanh nghiệp (DN), đặc biệt là những DN có kim ngạch xuất khẩu lớn sang quốc gia này chịu ảnh hưởng tiêu cực. 

Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm 0,07% và chỉ tăng 0,61% so với tháng 12/2014 cũng phần nào cho thấy, nền kinh tế chưa thực sự phục hồi.

Tuy nhiên, tại báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng năm 2015 do Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa công bố, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 vẫn có thể đạt và vượt mục tiêu 6,2%, tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô. 

Bởi, theo phân tích của cơ quan này, với mức độ điều chỉnh giảm giá đồng NDT vừa qua, nếu từ nay tới cuối năm NDT không bị phá giá mạnh hơn nữa, thì sẽ không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. 

Do vậy, chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch KT - XH. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng nhận định, lạm phát đang ở mức thấp và ổn định. 

Sau hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8, lạm phát có thể tăng xấp xỉ 0,2 điểm %, mức tăng không đáng kể. Do đó, cơ quan này vẫn giữ nguyên dự báo, cả năm 2015 lạm phát cơ bản sẽ khoảng 3% và lạm phát tổng thể sẽ ở mức thấp hơn 3%.

Những tín hiệu khởi sắc

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế sau khi số liệu kinh tế 8 tháng đầu năm được Chính phủ công bố. Trên thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, có hơn 8.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là 4.708 DN, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Với những biện pháp ứng phó khá linh hoạt sau giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu (2008 - 2014) và gần đây nhất là việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá để ứng phó với việc đồng NDT đột ngột giảm giá mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN Việt Nam sẽ khởi sắc. 

Bởi, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ gần 3.400 DN ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 90,7% DN dự báo khối lượng sản xuất 6 tháng cuối năm sẽ cao và giữ ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm. 

Trong số đó, 59,7% dự kiến tăng và 31% dự kiến giữ ổn định. Trên thực tế, trong quý III, có tới 52% số lượng DN cho biết khối lượng sản xuất tăng lên, gần 46% số DN có đơn hàng cao hơn; 40,7% số DN có đơn hàng xuất khẩu tăng. 

Về hàng tồn kho, chỉ có 16% số DN dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng, còn 33,4% số DN lạc quan cho rằng, lượng hàng tồn kho sẽ giảm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng, trước những biến động liên tục của nền kinh tế, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời đưa ra các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt sẽ giúp Việt Nam giảm bớt những tác động tiêu cực.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, trước những kết quả đã đạt được trong 8 tháng năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, nếu trong những tháng cuối năm không có gì biến động đột xuất, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và từ đó có triển vọng, căn cứ để đưa ra kế hoạch năm 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015. 

Trong đó, các mục tiêu kinh tế cơ bản trong năm tới là tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, lạm phát khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 31% GDP. 

Dự toán ngân sách Nhà nước cũng sẽ được xây dựng theo hướng tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn, thu ngân sách khả quan hơn. 

Sự ứng phó linh hoạt của Chính phủ trước những biến động của nền kinh tế sẽ tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, từ đó tạo nền tảng vững chắc để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Mặc dù việc đồng NDT của Trung Quốc giảm giá mạnh trong tháng 8 đã tạo ra những ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, song với những kết quả đã đạt được 8 tháng qua, những mục tiêu phát triển KT - XH cao hơn dự kiến sẽ là tiền đề để Chính phủ đặt ra trong năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ