ITP, căn bệnh xuất hiện sau tiêm vắc-xin Covid-19?

GD&TĐ - Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (ITP) là bệnh do kháng thể hệ miễn dịch tấn công tế bào tiểu cầu. ITP liên quan đến hệ miễn dịch, trong khi đó, tiêm vắc-xin Covid-19 tạo ra kháng thể đặc hiệu.

Chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam nhóm liều 50mcg cho các tình nguyện viên. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 của Việt Nam nhóm liều 50mcg cho các tình nguyện viên. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Vì vậy, không thể loại trừ khả năng bệnh này có mối liên hệ với vắc-xin Covid-19.

Căn bệnh khó chẩn đoán

PGS.TS Trần Huỳnh tại Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết, xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (ITP) là bệnh do kháng thể hệ miễn dịch tấn công tế bào tiểu cầu. ITP thường xảy ra ở trẻ em sau khi bị bệnh virus. Bệnh cũng thường xảy ra ở người lớn với tỉ lệ 10/100.000.

“Tiểu cầu là một tế bào cực kỳ quan trọng trong cơ thể, giữ chúng ta không bị chảy máu. Mỗi ngày, chúng ta có hàng nghìn tổn thương li ti trong mạch máu. Và, các tế bào tiểu cầu lập tức “hàn” các tổn thương này, kêu gọi các tế bào đông máu khác đến nơi và ngăn chặn chảy máu”, chuyên gia giải thích.

Khi bị xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát, bệnh nhân thường xuất hiện các vết bầm trên da, những đốm li ti màu đỏ dưới da, chảy máu nướu răng. Thậm chí, bệnh nhân nữ sẽ gặp tình trạng có nhiều kinh nguyệt. Tuy nhiên, theo PGS Huỳnh, đa số bệnh nhân ITP đều không có triệu chứng. Tình trạng này dẫn đến sự khó khăn trong chẩn đoán và theo dõi bệnh.

Quá trình chẩn đoán ITP bao gồm loại trừ các lý do khác dẫn đến thấp tiểu cầu, xét nghiệm đếm máu, xem xét những thuốc đang dùng. Lý do là bởi, kháng sinh và Aspirin tăng rủi ro phát triển ITP. Đồng thời, người bệnh cần được thực hiện các xét nghiệm sinh hóa. Để chữa trị ITP, các bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng thuốc Steroid, truyền Globulin miễn dịch. Và, giải pháp cuối cùng là mổ cắt lá lách để giảm rủi ro tiểu cầu bị tấn công. 

Tình trạng hiếm gặp

Chia sẻ về trường hợp một bác sĩ người Mỹ tử vong do bệnh ITP sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, PGS Huỳnh nhận định, đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Bởi, bệnh ITP rất khó để chẩn đoán.

“Hiện nay, đã có trên 5.000.000 người Mỹ chích vắc-xin. Với tỉ lệ 10 người mắc ITP trên 100.000 tại Mỹ, có thể 500 bệnh nhân có ITP được chích vắc-xin Covid-19. Vì bệnh ITP liên quan đến hệ miễn dịch và chích vắc-xin Covid-19 để tạo ra kháng thể đặc hiệu nên có thể có sự liên quan”, chuyên gia nhận định.

Các nghiên cứu công bố từ Công ty Dược Pfizer cho thấy, khoảng 12 - 14 ngày sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, bệnh nhân sẽ bắt đầu tạo kháng thể đặc hiệu chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, PGS Huỳnh nhấn mạnh, đây cũng là lý do việc tiêm vắc-xin sẽ có hiệu quả bảo vệ sau một vài tuần.

“Trong y văn, đã có trường hợp chích ngừa vắc-xin MMR (phòng sởi - quai bị - rubella) và gây ra bệnh ITP trong 6 tuần (không phải 3 ngày). Mặc dù, trường hợp này cực kỳ hiếm, xảy ra ở mức khoảng 1/25.000”, PGS Huỳnh dẫn chứng.

Nên tiêm vắc-xin hay không?

“Hiện nay, một người đàn ông 50 tuổi nếu không chích vắc-xin thì tỉ lệ tử vong do Covid-19 tại Mỹ sẽ khoảng 2,5/100”, chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, người được tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ có khả năng bảo vệ là 95%. PGS Huỳnh cho rằng, nếu tỉ lệ tử vong là 1/5.000.000, rủi ro khi sử dụng vắc-xin Covid-19 vẫn thấp hơn rất nhiều so với không tiêm phòng.

“Điểm quan trọng nhất tôi muốn chỉ ra là, sử dụng vắc-xin Covid-19 giảm đáng kể rủi ro bị bệnh và tử vong so với không tiêm”, PGS Huỳnh nhấn mạnh.

Mặc dù theo chuyên gia này, ITP là một bệnh nguy hiểm, khó chẩn đoán và dễ tử vong, nhưng rủi ro thiệt mạng khi tiêm vắc-xin Covid-19 rất thấp.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện đàm phán với 4 quốc gia là Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vắc-xin Covid-19. Tất cả các phía đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin. Trong đó, với Mỹ, Việt Nam đàm phán mua vắc-xin của Công ty Dược phẩm Pfizer.
Đối với tình hình trong nước, hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19. Đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17/12/2020 và đã tiêm 2 liều (25 mcg và 50 mcg trên người tình nguyện). Tới nay, sức khỏe người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ