Theo đó, vào ngày mai 12/1, sẽ có 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 "made in" Việt Nam - Nanocovax liều cao nhất 75mcg. Đây là nhóm 20 người cuối cùng tham gia thử nghiệm dò liều tối ưu của giai đoạn 1 vắc xin Nanocovax do công ty NANOGEN sản xuất.
Khi 3 người này ổn định sau 72 giờ, Học viện Quân Y sẽ tiếp tục tiêm cho 17 người còn lại.
Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.
Trước đó, Học viện Quân y đã tiêm vắc xin Nanocovax trên 40 tình nguyện viên thuộc 2 nhóm liều 25mcg và 50mcg. Đến nay, sức khoẻ các tình nguyện viên đều ổn định, một số người có biểu hiện sốt nhẹ, đau tại vị trí tiêm.
Tình nguyện viên đến đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc xin COVID-19 NanoCovax
Tuy nhiên các phản ứng này đều hết sau 24 giờ đầu tiên. Trên thế giới, khoảng 80% trường hợp vắc xin tiêm tại bắp cũng đều có phản ứng tương tự.
Riêng 20 tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 25mcg đã tiêm mũi 1, dự kiến trong vài ngày tới sẽ tiếp tục tiêm mũi thứ hai.
Hiện tại, Học viện Quân y đang tiếp tục tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với số lượng khoảng 400-600 người. Bước đầu đã có hàng trăm người đăng ký song sau khi khám sức khoẻ, chỉ có khoảng 50% đủ tiêu chuẩn.
Trước đó, ngày 17/12/2020, Học viện Quân Y bắt đầu tiến hành tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin NanoCovax trên người giai đoạn 1. Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc xin COVID-19, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 đối tượng tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Những người tình nguyện tiêm thử vắc xin NanoCovax đều được mua bảo hiểm sức khỏe.
Vắc xin NanoCovax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, có các loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.
Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của loại vắc xin này trước khi quyết định tiêm cộng đồng.