Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi mới đây đã phát đi cảnh báo việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, RT đưa tin.
Ông Grossi cho rằng, một khi EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga thì người chịu tổn thương sẽ là Liên minh châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Der Standard của Áo, ông Grossi nhấn mạnh sự phụ thuộc đáng kể của EU vào uranium và nhiên liệu hạt nhân của Nga, đồng thời lưu ý rằng một số quốc gia trong khối phụ thuộc tới 40% vào nguồn cung của họ.
Ông cảnh báo rằng không giống như việc cung cấp than và khí đốt, không có cách nào nhanh chóng để thoát khỏi nhiên liệu hạt nhân của Nga và việc cắt đứt quan hệ quá sớm sẽ gây tổn hại cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Ông Grossi lưu ý: “Họ [các nước phương Tây - ND] đang thực hiện các biện pháp để chấm dứt sự phụ thuộc này, nhưng điều đó không thể thực hiện được trong một sớm một chiều.
Người châu Âu đang phản ứng theo chủ nghĩa hiện thực khi biết rằng nền kinh tế của họ không thể hoạt động nếu không có năng lượng hạt nhân.”
Nhận xét của ông được đưa ra khi EU đặt mục tiêu áp dụng gói trừng phạt thứ 14 đối với Moscow trước tháng 7. Khối này đang xem xét áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá lên tới 42 tỷ euro (46 tỷ USD) từ Nga, bao gồm cả nhiên liệu hạt nhân.
Đầu năm nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2025, khi ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng công nghệ này như một phần trong kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Vương quốc Anh, Thụy Điển và Thụy Sĩ nằm trong số các quốc gia đang trên đà tăng cường sản xuất điện hạt nhân trong nước bằng cách kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới nhằm tăng cường an ninh năng lượng khi nhu cầu điện tăng cao.
Trong khi đó, EU đã không trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga, bao gồm cả tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosatom, bất chấp yêu cầu liên tục từ Ukraine cũng như các thành viên khối Litva và Ba Lan, những nước chỉ trích Moscow mạnh mẽ nhất trong liên minh EU.
Động thái này đã bị chặn bởi một số quốc gia EU, bao gồm cả Hungary, vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Nga.
Doanh số bán nhiên liệu và công nghệ hạt nhân của Nga tăng vọt vào năm 2022 khi nhập khẩu của các nước EU tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Theo Rosatom, các thành viên NATO bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia đều tiếp tục mua nhiên liệu lò phản ứng từ quốc gia bị trừng phạt.
Tính đến năm 2022, Nga là nước xuất khẩu uranium được làm giàu lớn nhất trên thị trường toàn cầu, chiếm khoảng 35% doanh số bán hàng trên toàn thế giới với giá trị xuất khẩu ước tính là 2 tỷ USD.