Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/5 cho biết quân đội sẽ tổ chức các cuộc tập trận liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật - lần đầu tiên một cuộc tập trận như vậy được Moscow công bố công khai.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Không giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể phá hủy toàn bộ thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng để chống lại quân đội trên chiến trường có sức công phá kém hơn và có thể có sức công phá nhỏ khoảng 1 kiloton. Để so sánh, quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima trong Thế chiến thứ hai có sức công phá 15 kiloton.
Những loại vũ khí hạt nhân trên chiến trường như bom trên không, đầu đạn cho tên lửa tầm ngắn hoặc đạn pháo - có thể rất nhỏ gọn. Kích thước nhỏ của chúng cho phép chúng được vận chuyển kín đáo trên xe tải hoặc máy bay.
Không giống như vũ khí chiến lược, vốn tuân theo các thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Moscow và Washington, vũ khí chiến thuật chưa bao giờ bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước nào như vậy và Nga chưa công bố số lượng hoặc bất kỳ thông tin cụ thể nào khác liên quan đến chúng.
Tổng thống Putin đã nói gì về Vũ khí hạt nhân?
Kể từ khi phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc nhở các nước phương Tây về sức mạnh hạt nhân của Moscow nhằm ngăn cản họ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Ngay từ đầu cuộc chiến, Tổng thống Putin thường xuyên nhắc đến kho vũ khí hạt nhân của Moscow bằng cách cam kết nhiều lần sẽ sử dụng "mọi biện pháp" cần thiết để bảo vệ Nga.
Tuy nhiên, sau đó ông đã giảm bớt việc đề cập đến chúng khi cuộc tấn công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái không đạt được mục tiêu và Nga giành được nhiều thắng lợi hơn trên chiến trường.
Học thuyết quốc phòng của Moscow dự tính sẽ có phản ứng hạt nhân trước một cuộc tấn công nguyên tử hoặc thậm chí là một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường “đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước Nga”.
Lời nhận định đó đã khiến một số chuyên gia Nga ủng hộ Điện Kremlin thúc giục ông Putin mài giũa vũ khí hạt nhân để buộc phương Tây phải xem xét các cảnh báo của Nga một cách nghiêm túc hơn.
Tổng thống Putin nói vào mùa thu năm ngoái rằng ông thấy không có lý do gì cho sự thay đổi như vậy.
Ông nói: “Không có tình huống nào có thể đe dọa đến vị thế nhà nước Nga và sự tồn tại của nhà nước Nga”. “Tôi nghĩ rằng không một người có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ minh mẫn nào lại có thể nảy ra ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga”.
Tại sao Nga gửi vũ khí hạt nhân đến Belarus?
Năm ngoái, Nga đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình sang lãnh thổ Belarus, một đồng minh láng giềng của Ukraine và các thành viên NATO là Ba Lan, Latvia và Litva.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, từ lâu đã kêu gọi Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ở đất nước ông. Quốc gia này có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga và ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Cả Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko đều nói rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus là nhằm chống lại các mối đe dọa từ phương Tây. Năm ngoái, ông Putin đặc biệt liên hệ động thái này với quyết định của chính phủ Anh cung cấp cho Ukraine đạn xuyên giáp có chứa uranium nghèo.
Cả hai nhà lãnh đạo đều không cho biết có bao nhiêu chiếc đã được di chuyển mà chỉ tuyên bố rằng, các cơ sở thời Liên Xô ở nước này đã sẵn sàng tiếp nhận chúng và các phi công cũng như phi hành đoàn điều khiển tên lửa Belarus đã được huấn luyện để sử dụng chúng. Số vũ khí này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia có đường biên giới dài 673 dặm với Ukraine, sẽ cho phép máy bay và tên lửa của Nga tiếp cận các mục tiêu tiềm năng ở đó dễ dàng và nhanh chóng hơn nếu Moscow quyết định sử dụng chúng. Sự hiện diện vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus cũng giúp mở rộng khả năng của Nga nhằm vào một số đồng minh NATO ở Đông và Trung Âu.
Theo Fox News